Hội nghị Thượng đỉnh EU tìm lời giải cho khủng hoảng năng lượng
VOV.VN - Nhóm họp trong hai ngày 20 và 21/10 tại thủ đô Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ tìm kiếm giải pháp chung nhằm ngăn chặn khủng hoảng năng lượng.
Tuy nhiên sự chia rẽ và những xung đột về lợi ích đang phủ bóng nền kinh tế trị giá 17.000 tỷ USD của Liên minh châu Âu và có thể đẩy 450 triệu người đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt.
Trong bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận hội nghị này sẽ rất khó khăn. Ông đồng thời kêu gọi một hành động khẩn cấp nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng trên cơ sở đảm bảo 3 mục tiêu: giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn cung và kiềm chế giá cả.
“Cuộc họp Hội đồng châu Âu chắc chắn sẽ khó khăn, sẽ phức tạp. Bởi đối với mỗi nước sẽ có những vấn đề nhạy cảm khác nhau, ý kiến khác nhau. Dù không có xuất phát điểm giống nhau, nhưng theo tôi câu hỏi đầu tiên phải trả lời là liệu chúng ta đã sẵn sàng làm việc cùng nhau để thực hiện các biện pháp hạ giá năng lượng, hạ giá xăng chưa?”
Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2, khối 27 quốc gia thành viên đã liên tiếp giáng các đòn trừng phạt kinh tế vào Nga. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Liên minh châu Âu phải trả giá khi Nga khóa các đường ống dẫn dầu và khí đốt, đẩy giá cả mặt hàng thiết yếu này tăng vượt tầm kiểm soát.
Ngay trước thềm cuộc họp, Ủy ban châu Âu đã đề xuất gói giải pháp khẩn cấp nhằm kiềm chế đà tăng của giá năng lượng cũng như sử dụng sức mua chung của khối làm đòn bẩy trong đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt toàn cầu. Một “cơ chế điều chỉnh giá" cũng sẽ được thiết lập như một chính sách bảo hiểm chống lại những biến động bất thường trên thị trường. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, Liên minh châu Âu sẽ mạnh hơn nếu làm việc cùng nhau:
“Tôi biết rằng nhiều người dân châu Âu đang lo ngại. Lo ngại về lạm phát, về các hóa đơn năng lượng và về nguồn cung khí đốt khi mùa đông sắp tới. Phản ứng tốt nhất lúc này là đoàn kết và thống nhất châu Âu. Và trên tinh thần này, Ủy ban vừa nhất trí hôm qua về một khuôn khổ lập pháp mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang leo thang hiện nay”.
Tuy nhiên đối mặt với một tương lai kinh tế khó khăn, Liên minh châu Âu đang bị chia rẽ hơn lúc nào hết. Tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu vào đầu tháng 10, các nhà lãnh đạo khối đã không thể tìm được tiếng nói chung trong việc áp giá trần khí đốt để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. Những nước này chỉ ủng hộ việc thiết lập các biện pháp mua sắm khí đốt chung vào cuối mùa đông để tránh phải trả giá cao hơn trên thị trường.
Một quan chức cấp cao Đức đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất khi cho rằng những can thiệp thị trường có tính chất nhân tạo có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, chứ không giúp khuyến khích các chính phủ và người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng. Tổ chức người sử dụng lao động BusinessEurope mới đây cảnh báo, tình hình hiện tại có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa do không thể thanh toán được các hóa đơn năng lượng.
Trong khi các chính trị gia vẫn đang “vắt óc suy nghĩ” về giải pháp, các cuộc biểu tình đã xảy ra ở một số nơi. Tại Séc, hàng chục nghìn người tiếp tục biểu tình phản đối chính sách đối ngoại của chính phủ, điều mà họ cho là nguyên nhân dẫn đến các hóa đơn năng lượng tăng vọt. Ở Đức cũng đã có một số cuộc biểu tình kêu gọi các chính phủ cần thận trọng với biện pháp áp trần giá năng lượng. Pháp cho tới nay đã tránh được các cuộc biểu tình lớn bằng kế hoạch rót hàng tỷ euro vào việc hạ giá năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân sách của Pháp cũng chỉ có giới hạn và cuộc khủng hoảng hiện nay được dự báo sẽ không kết thúc trước mùa Đông 2023./.