Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab: Nóng vì xung đột và khủng bố
Khó khăn nhất của Hội nghị lần này là tìm được giải pháp chung tránh những can thiệp về quân sự từ bên ngoài vào khu vực này.
Hội nghị cấp cao của Liên đoàn Arab đang diễn ra tại thủ đô Baghdad của Iraq nhằm thảo luận về những vấn đề được cho là rất nóng của khu vực hiện nay như vấn đề Syria hay Iran...
Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần này bị bao phủ “bóng đen” xung đột tại Syria và những căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran. Tại cuộc gặp các Ngoại trưởng Liên đoàn Arab diễn ra ngày hôm 28/3, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Arabi đã nhấn mạnh cần phải đưa những vấn đề này trong chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao. Ông khẳng định, các cuộc xung đột đang là nguy cơ trỗi dậy hiện hữu của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab sẽ đề cập đến nhiều vấn đề nóng của khu vực (Ảnh" AFP) |
Liên quan đến vấn đề Syria, trong cuộc gặp ngày 28/3, các Ngoại trưởng Liên đoàn Arab thống nhất quan điểm rằng sẽ không đi theo hướng yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi và cũng không đề cập đến việc trang bị vũ khí cho phe đối lập nước này. Liên đoàn Arab cũng phản đối mọi sự can thiệp nước ngoài vào nội bộ của Syria, khuyến khích các bên hướng đến một giải pháp chính trị và đối thoại quốc gia. Chính nhân dân Syria sẽ quyết định vận mệnh đất nước họ và lựa chọn người lãnh đạo xứng đáng chứ không phải ai khác.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Iraq Hoshyar Zebari nói: "Chúng tôi đã đạt nhất trí về một dự thảo Nghị quyết và đã đệ trình lên các nhà lãnh đạo Arab xem xét trong cuộc họp cấp cao hôm nay. Dự thảo nghị quyết này được soạn thảo từ những quyết định trước đó của Liên đoàn Arab.
Riêng vấn đề Syria, dự thảo còn dựa trên những nỗ lực gần đây của đặc phái viên chung Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab cùng với việc Damascus mới đây đã chấp nhận thực thi sáng kiến hòa bình của AL, qua đó để tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại hòa bình”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nếu chỉ dừng ở việc tuyên bố thì chưa đủ, điều quan trọng là các quốc gia trong khu vực phải tìm ra một biện pháp cụ thể đối với vấn đề Syria để tránh lặp lại bài học từ Lybia.
Trong một diễn biến mới nhất, AL đã nhất trí ủng hộ kế hoạch hòa bình của cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, người đang gánh trọng trách là đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab.
Bên cạnh những vấn đề an ninh, tránh xung đột khu vực, Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Arab cũng đề cập đến những giải pháp giúp Iraq phục hồi sau khi các binh sỹ quốc tế rút khỏi nước này từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, Iraq sẽ khó có thể phục hồi nhanh chóng nếu vẫn trong tình trạng bất ổn như hiện nay. Các cuộc đánh bom liều chết vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước Iraq trong suốt 1 tuần qua khiến hàng trăm người thương vong./.