Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần thứ 13 khai mạc ở Bishkek
VOV.VN - Thành viên SCO thúc đẩy hợp tác để tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Ngày 13/9, tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 13. Tham dự hội nghị có nhà lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, lãnh đạo các quốc gia quan sát viên của tổ chức và nhiều nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.
Hội nghị Thượng định Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 13 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, đặc biệt là biến động về tình hình tại khu vực Trung Đông như Syria và Iran, đang đặt ra những nguy cơ lớn về an ninh cho các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và khu vực. Điều đó đặt ra các yêu cầu cấp thiết để các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải càng phải thúc đẩy hợp tác để tăng cường vị thế của tổ chức trên trường quốc tế.
Ông Muratbek Imanaliyev, Cựu Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải nói: “Tôi tin là đã đến lúc các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cần phải thúc đẩy nỗ lực nhằm đối phó với khủng bố. Chúng ta cần mở rộng hợp tác khu vực và chống khủng bố và tăng cường hợp tác với các tổ chức gìn giữ hòa bình quốc tế. Tôi tin là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vẫn còn nhiều tiềm lực. Tôi vui mừng về sự phát triển đa dạng hóa tại các quốc gia Trung Á hiện nay. Họ có thể đóng góp nhiều hơn thế”.
Hợp tác Kinh tế là một trong những chủ đề lớn được các bên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 13 đặc biệt quan tâm. Đáng lưu ý là đề xuất gợi ý vành đai kinh tế “con đường tơ lụa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi lên đường tham dự hội nghị. Theo đó, ông Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị Trung Quốc và khu vực Trung Á chung tay xây dựng vành đai kinh tế “con đường tơ lụa” nhằm cải thiện kết nối giao thông, nâng cấp hợp tác thương mại và tiền tệ cũng như trao đổi giữa người dân các nước với nhau.
Bà Svetlana Idrsova, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Kinh tế Quốc gia Kazakhstan nói: “Tất cả các quốc gia Trung Á có cùng một ngôn ngữ, một hệ thống luật pháp. Mọi thứ hiện nay đã thay đổi song tình thần chung là giống nhau. Chúng tôi cũng có những hiểu biết chung. Chúng tôi có thể phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc như chúng tôi đã làm trước đây. Theo tôi, xây dựng vành đai kinh tế “con đường tơ lụa” với Trung Quốc cũng là một sự hợp tác tốt”.
Ngoài các vấn đề thương mại và kinh tế cũng như tình hình địa chính trị trong khu vực và thế giới, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng dành phần lớn thời gian để thảo luận về tình hình Afghanistan. Theo kế hoạch, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Điều này sẽ làm gia tăng các nguy cơ về an ninh không chỉ với Afghanistan mà còn với cả các quốc gia láng giếng.
Kết thúc hội nghị, các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các quốc gia thành viên khác sẽ ký Tuyên bố chung Bishkek và thông qua một loạt văn kiện quan trọng.
Bên lề hội nghị cũng sẽ diễn ra các cuộc gặp giữa nguyên thủ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các đối tác có liên quan. Một trong số các cuộc gặp bên lề được giới quan sát chờ đợi chính là cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống mới đắc cử của Iran Hassan Rowhani. Ngoài các vấn đề hợp tác giữa hai nước, lãnh đạo Nga và Iran cũng sẽ tập trung thảo luận về việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria./.