Hồi ức kinh hoàng trong nhà tù diệt chủng Polpot
VOV.VN -Với Toul Sleng, sống sót được trong nhà tù của chế độ Polpot là một điều kỳ diệu mà ông không dám nghĩ tới.
Ở Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng (ở Phnom Penh) có một ông già tóc bạc ngồi lặng lẽ bên quầy sách nhỏ. Những cuốn sách ông bán tập hợp hồi ức của các nạn nhân hiếm hoi sống sót khỏi nhà tù từng được biết đến với cái tên S21 khét tiếng. Ông là Chum Mey - Chủ tịch Hội Nạn nhân chế độ diệt chủng Polpot - 1 trong 7 người sống sót khỏi nhà tù này, trong khi trên 17.000 người khác bị thủ tiêu. Hiện nay chỉ có ông và một người khác vẫn còn sống.
Vốn là một thợ cơ khí, nhưng ông Chum Mey lại trở thành một trong những tù nhân đầu tiên của nhà tù S21. Ông Chum Mey phải chịu đựng biết nhiều màn tra tấn tàn bạo trong những xà lim do chế độ Polpot dựng lên – nơi mà trước đó còn là phòng học.
Ngồi lặng lẽ bên một quầy sách trong bảo tàng, ít ai biết được, đây là một trong bảy người sống sót trong nhà tù của chế độ diệt chủng Polpot |
Ông Chum Mey bị chúng đánh gãy tay, rút hết móng chân, móng tay, rồi bị chúng lấy lõi dây điện chọc thủng màng nhĩ…
Lý do duy nhất để ông Chum Mey sống sót kỳ diệu suốt 3 năm 8 tháng 20 ngày trong địa ngục, là vì ông biết sửa máy đánh chữ, nên những tên cai ngục khát máu không đem ông đi thủ tiêu như những người khác.
Chỉ tay vào những nấm mộ trắng nằm ở lối vào bảo tàng, ông Chum Mey cho biết, đó là những nạn nhân cuối cùng bị bọn cai ngục giết hại, trước khi chúng tháo chạy khỏi Phnom Penh (ngày 7/1/1979).
Ông Chum Mey nhớ lại: “Lúc đó khoảng 7 giờ sáng, chúng ép 18 người chạy đi cùng chúng. Tuy nhiên, khi đến góc nhà tù, chúng bắt mọi người dừng lại. Rồi chúng cắt cổ 14 người. Lúc ấy chúng không dám bắn vì bộ đội Việt Nam ở phía bên kia đường. Nếu chúng bắn, bộ đội nghe thấy sẽ vào tiêu diệt bọn chúng”.
Cả gia đình ông Chum Mey gồm vợ và 4 người con đều bị bọn cai ngục giết hết, chỉ còn duy nhất ông sống sót.
Lịch sử đen tối của những ngày trong "địa ngục trần gian" được ông Chum Mey kể lại cho lớp trẻ |
Những ngày đầu sau giải phóng, ông không thể vượt qua nỗi đau mất mát này. Chỉ nhớ lại hoặc có ai nhắc đến những ngày tháng kinh hoàng trong tù, nước mắt ông rơi.
Giờ đây, khi đã tuổi 84, ông vẫn hàng ngày đến bảo tàng, kể cho du khách trong nước và quốc tế về những gì ông đã trải qua và tận mắt chứng kiến. Nhưng sứ mệnh quan trọng nhất mà ông tự đặt cho mình là nói chuyện với thế hệ trẻ Campuchia ngày nay, về một trong những chương lịch sử đen tối nhất, để những tội ác man rợ của bè lũ diệt chủng sẽ không bao giờ lặp lại.
Tháng 6/2013, trước thềm bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5, ông Kem Sokha - một lãnh đạo phe đối lập đã tuyên bố, nhà tù S21 là sản phẩm “ngụy tạo”, do Việt Nam dựng lên cho mục đích tuyên truyền.
Những nấm mồ trắng trong bảo tàng |
Hội Nạn nhân chế độ diệt chủng Polpot khi đó vô cùng căm phẫn, lên án sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn này. Ông Chum Mey khẳng định, chừng nào còn sống, ông còn không cho phép bất kỳ ai chà đạp lên lịch sử về những đau đớn và mất mát mà nhân dân Campuchia phải trải qua.
“Đâu phải Kem Sokha bị giam ở nhà tù này. Tôi mới là người bị giam ở đây. Nhà tù này không phải được ngụy tạo mà đây chính là nơi chúng giết đồng bào mình. Kem Sokha nói vậy là do ông ta muốn tranh thủ lá phiếu”, ông Chum Mey khẳng định.
35 năm đã trôi qua, nhưng ông Chum Mey vẫn nhớ như in giây phút bộ đội Việt Nam đến cứu ông. Một anh bộ đội Việt Nam tên là Đông đã nhường áo cho ông mặc. Ngần ấy thời gian, giúp ông hiểu: Ai là người bạn thực sự của nhân dân Campuchia.
“Tôi biết, chỉ có Việt Nam giúp đỡ được Campuchia. Khi Campuchia xảy ra cơ sự, Việt Nam đến giúp đỡ kịp thời. Chúng tôi biết ơn nhiều lắm. Biết ơn nhân dân và bộ đội Việt Nam đã cứu giúp đất nước Campuchia và bản thân tôi được hồi sinh”, ông Chum Mey giãi bày./.