“Hòn đá tảng” khó phá vỡ trên bàn đàm phán hạt nhân Iran
VOV.VN - Mỹ cảnh báo đàm phán sẽ rơi vào bế tắc, nếu Iran tiếp tục yêu cầu tất cả các biện pháp trừng phạt kể từ năm 2017 phải được dỡ bỏ.
Các quan chức Mỹ và Iran hôm qua (9/4) đã có cuộc đụng độ gay gắt trên bàn đàm phán liên quan đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ nên dỡ bỏ để đưa hai bên quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015. Những bế tắc liên quan đến vấn đề gai góc này khiến Mỹ cảnh báo đàm phán sẽ rơi vào bế tắc, nếu Iran tiếp tục yêu cầu tất cả các biện pháp trừng phạt kể từ năm 2017 phải được dỡ bỏ.
Hai quốc gia đã đưa ra lập trường cứng rắn khi vòng họp thứ 2 của Ủy ban hỗn hợp về Thỏa thuận hạt nhân nối lại hôm qua tại Vienne, Áo. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trên Twitter khẳng định, tất cả các lệnh trừng phạt của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đều chống lại Thỏa thuận hạt nhân và phải được xóa bỏ.
Quan điểm này đã được ông Javad Zarif khẳng định nhiều lần trước đó: “Chúng tôi chỉ quay trở lại tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận hạt nhân khi Mỹ đã dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt hoặc áp dụng lại hoặc tái áp đặt sau tháng 1/2017. Sau đó, chúng tôi sẽ tuân thủ hoàn toàn. Chúng tôi rất nghiêm túc quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân, nhưng chúng tôi phải làm rõ quan điểm này”.
Mỹ trước đó tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ "các lệnh trừng phạt không phù hợp với Thỏa thuận hạt nhân". Mặc dù chưa đề cập chi tiết của các biện pháp trừng phạt, nhưng có thể không bao gồm các lệnh trừng phạt chính thức, không liên quan đến các vấn đề hạt nhân trong thỏa thuận.
Phát biểu sau cuộc gặp, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Iran đang rất nghiêm túc mong muốn quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân nhưng điều đó là chưa đủ. Nếu Iran kiên định quan điểm rằng mọi lệnh trừng phạt đã được áp dụng từ năm 2017 phải được dỡ bỏ, khi đó các cuộc đàm phán sẽ rơi vào bế tắc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trước đó cũng bày tỏ không mấy lạc quan vào kết quả các cuộc đàm phán: “Sẽ rất khó vì không có lòng tin giữa Mỹ và Iran cũng như giữa Mỹ và cộng đồng quốc tế. Bây giờ, chúng ta phải làm sao để những trở ngại này sẽ không cản đường. Và trên thực tế, những cuộc thảo luận này đã mang tính xây dựng. Đây là một bước tiến”.
Thực tế những khó khăn này là điều tất cả các bên có thể dự đoán trước được. Sự phức tạp về kỹ thuật của các khía cạnh hạt nhân và rắc rối pháp lý của việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, khiến tiến triển khó đạt được trong những vòng đàm phán đầu tiên. Cuộc họp tiếp theo được nối lại tuần tới sẽ tiếp tục là cơ hội để các bên khơi thông bế tắc.
Theo đánh giá của đại diện của Trung Quốc và Nga sau vòng họp thứ 2, các nỗ lực hiện nay nhằm đưa Iran và Mỹ quay lại thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran đang đi đúng hướng. Có thể nói, cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề ngăn cản họ là việc ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên - hay đưa ra những nhượng bộ trước - để đạt được mục tiêu này. Những chiến thuật cứng rắn ngay từ khi bắt đầu đàm phán cũng là cách hai bên áp dụng để buộc phía bên kia phải nhượng bộ.
Một số nhà ngoại giao hy vọng thỏa thuận có thể đạt được trước cuộc bầu cử Tổng thống Iran vào ngày 18/6 tới. Theo giới chuyên gia, đoàn tàu đàm phán hạt nhân đang chuyển động và Iran đang đứng đầu tàu. Nếu Iran không hài lòng với quan điểm của Mỹ hoặc do tác động của cuộc bầu cử trong nước, Iran sẽ “hãm phanh” và khi đó các cuộc đàm phán sẽ có nguy cơ bị lùi lại cho đến cuối năm nay./.