Hợp tác Nam – Nam nhìn từ Diễn đàn Indonesia – châu Phi lần thứ hai

VOV.VN - Hợp tác Nam – Nam (SCC) lâu nay nổi lên như một trụ cột quan trọng trong động lực của quan hệ quốc tế, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển.

Với chủ đề “Tinh thần Bandung cho Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi” và “Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên cho phát triển: Hướng tới sự thay đổi”, những thông điệp, nội dung thảo luận và kết quả của “Diễn đàn Indonesia – châu Phi lần 2” (IAF-2) và “Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên” (HLF MSP) vừa diễn ra ở Bali, Indonesia (từ ngày 1-3/9) tiếp tục  phản ánh những mục tiêu chính và thắp lên động lực mới của hợp tác SCC.

Khai phá tiềm năng châu Phi

Từ lâu nay, Indonesia luôn coi trọng tầm quan trọng chiến lược của châu Phi. Châu Phi được đánh giá là lục địa có tiềm năng phát triển rất lớn, thể hiện qua việc nền kinh tế phát triển ổn định (năm 2023 kinh tế châu Phi tăng trưởng khoảng 4%; cao hơn mức tăng GDP toàn cầu) và được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 3,8% trong năm nay. Theo một số dự báo, trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới và có thể sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ XXI.

Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi dân số trẻ ngày càng tăng (đến năm 2030, dự kiến 42% số thanh niên thế giới tập trung ở châu Phi). Châu Phi còn nắm giữ “chìa khóa” cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu với những mỏ khoáng sản khổng lồ như: lithium, coban, đồng, mangan…Châu Phi có sự đa dạng sinh học, nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới đóng vai trò như một vùng đệm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khu vực châu Phi tiếp tục đối mặt với các thách thức như: bất bình đẳng kinh tế và đói nghèo; mất an ninh lương thực; ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu; thiếu hụt cơ sở hạ tầng số; dịch bệnh…

Để tối đa hóa tiềm năng và giải quyết các thách thức, các nước châu Phi đã xây dựng “Chương trình Nghị sự 2063” – làm khuôn khổ tổng thể dẫn dắt sự phát triển của khu vực này trong những thập kỷ tới. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia, ông Pahala N.Mansury, Indonesia và châu Phi có chương trình nghị sự phát triển khá giống nhau do cùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lợi thế dân số.

Châu Phi có đất đai rộng lớn, khí hậu tốt, là đối tác tiềm năng của Indonesia về thương mại và chuỗi cung ứng trong lĩnh vực thực phẩm như phân bón, nhiên liệu sinh học. Châu Phi chiếm 10% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu và có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời, địa nhiệt.

Cả Indonesia và châu Phi đều có trữ lượng khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh; do vậy hai bên có thể hợp tác về chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện và pin xe điện…Trong lĩnh vực y tế, Indonesia và châu Phi đều có nhu cầu cao về thuốc, vaccine, thiết bị y tế. Hiện đã có một số hình thức hợp tác y tế giữa hai bên, như việc vaccine bại liệt do Indonesia sản xuất đã được gửi đến châu Phi.

Thông điệp của Indonesia

Hợp tác SCC là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm, thực tiễn phát triển; trao đổi nguồn lực, tài nguyên và công nghệ giữa các nước đang phát triển. Hợp tác SCC giữ vai trò quan trọng của quan hệ đối tác toàn cầu cho sự phát triển nói chung và đối với việc đạt Các Mục tiêu Phát triển thiên nhiên kỷ (MDGs) và Các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Mục tiêu chính của hình thức hợp tác này là thúc đẩy tự chủ, tự cường của các nước đang phát triển; nhận biết, đáp ứng nhu cầu của những nước kém phát triển nhất; tạo điều kiện cho các nước tiếp cận, tham gia các hoạt động kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển dài lâu.

Sự tham gia của Indonesia trong hợp tác SCC bắt đầu từ vai trò tiên phong tổ chức Hội nghị Á- Phi lần đầu tiên tại Bandung năm 1955. Kết quả Hội nghị này đã đặt nền móng cho sự đoàn kết và hợp tác giữa các nước đang phát triển. 69 năm sau, khi tổ chức Diễn đàn IAF-2 và HLF MSP, nước chủ nhà Indonesia tiếp tục khẳng định “tinh thần Bandung” với các nguyên tắc, giá trị về quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, áp dụng phổ quát luật pháp quốc tế...

Với tư cách là quốc gia thành viên G-20 và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia muốn tái cam kết khai phá tiềm năng chiến lược, đặc biệt là mở rộng hợp tác kinh tế với châu Phi; đồng thời chứng minh là đối tác tin cậy giúp các nước châu Phi đạt SDGs.

Phát biểu tại IAF-2 và HLF MSP, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định các nước tham dự Diễn đàn đều mong muốn tạo ra sự thay đổi tích cực trong một thế giới đang đứng trước nhiều thách thức như: căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, thất nghiệp và lạm phát chưa được cải thiện. Trong khi đó, tinh thần đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương có nguy cơ suy giảm và sẽ khiến các nước đang phát triển cùng  hàng triệu người dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do vậy, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh cần một định hướng, tầm nhìn và chiến lược mới cùng các bước đi chiến thuật mới để hiện thực hóa sự phát triển công bằng và toàn diện hơn cho các nước đang phát triển.

Để đạt được điều này, Tổng thống Joko Widodo nêu rõ 04 giải pháp. Thứ nhất, việc đạt được SDGs vẫn phải là trọng tâm chính của phát triển toàn cầu, phù hợp với các ưu tiên phát triển từng quốc gia và khu vực, gồm Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi. Thứ hai, Indonesia cam kết là một phần của giải pháp toàn cầu vì lợi ích Nam bán cầu. Thứ ba, Indonesia sẽ là cầu nối cho việc đấu tranh cho sự bình đẳng, công lý, thúc đẩy đoàn kết đẩy nhanh việc thực hiện SDGs. Indonesia sẵn sàng hợp tác với mọi nước, đặc biệt với các nước khu vực châu Phi. Thứ tư, nhu cầu đoàn kết toàn cầu cần được hồi sinh để tăng cường hợp tác Nam – Nam, hợp tác Bắc – Nam, bổ sung cho nhau.

Đến nay, mới có khoảng 15% trong các SDGs đến năm 2030 do Liên Hợp Quốc đề ra đang đi đúng hướng, trong khi nhiều mục tiêu có dấu hiệu thụt lùi. Do vậy, tại IAF-2 và HLF MSP, Indonesia kêu gọi các biện pháp có tính thay đổi mạnh mẽ và hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để đạt SDGs. Đặc biệt, hợp tác Bắc – Nam giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển phải hiệu quả hơn, toàn diện hơn và có sự hỗ trợ của nhiều đối tác liên quan.

Với “tinh thần Bandung” và bám sát các mục tiêu hợp tác SCC, tại HLF MSP lần này, Indonesia đã cùng các nước châu Phi và đối tác nhiều bên liên quan thảo luận, chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn nhằm tối đa hóa tiềm năng, hợp tác SCC như : nâng cao hiệu quả tài chính cho SDGs và xây dựng kinh tế sáng tạo, bền vững; thúc đẩy sự tham gia của các nước đang phát triển vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường vai trò của công nghệ trong phát triển bền vững, hướng tới một thế giới phát thải thấp; tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư, tăng cường kết nối hậu cần hỗ trợ thương mại ở các nước đang phát triển; đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng cho phát triển bền vững; trao quyền cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa …

Với kinh nghiệm phát triển của mình, Indonesia nhất trí xây dựng Kế hoạch “Thiết kế lớn cho hợp tác phát triển tại châu Phi” giai đoạn 2024-2029 như một nền tảng vững chắc để Indonesia thực hiện cam kết hỗ trợ, hợp tác với lục địa nhiều tiềm năng  giải quyết các thách thức phát triển. Tại IAF-2 và HLF MSP, Indonesia và các nước châu Phi cũng đã thảo luận thắt chặt hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng có tiềm năng và quan tâm chung như: an ninh lương thực; khai khoáng và khoáng sản quan trọng; y tế; chuyển đổi và sáng tạo số…Một số nước châu Phi bày tỏ mong muốn tham gia Ủy ban các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) và thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực này.

Từ các hoạt động kết nối kinh doanh tại 2 Diễn đàn và sức lan tỏa theo sau sự kiện, các công ty Indonesia và đối tác châu Phi được kỳ vọng đạt được các thỏa thuận, Bản ghi nhớ (Mou) hợp tác kinh doanh trị giá lên tới 3,5 tỷ USD cho tới cuối tháng 9 này. Đây là con số tăng hơn 6 lần so với giá trị các thỏa thuận tại Diễn đàn IAF đầu tiên hồi năm 2018 (chỉ khoảng 568 triệu USD).

Cụ thể các thỏa thuận đã được ký kết liên quan lĩnh vực y tế (gồm dược phẩm, vaccine, chuyển giao công nghệ…trị giá khoảng 94,2 triệu USD); năng lượng (cơ sở hạ tầng điện, khai thác khí đốt, năng lượng địa nhiệt; khoảng 1,4 tỷ USD); lương thực (gồm sản xuất phân bón…;khoảng 1,2 tỷ USD). Các nước châu Phi có doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa thuận, MoU với phía Indonesia gồm Tanzania (hợp tác năng lượng địa nhiệt); Ghana (chuyển giao công nghệ y tế); Congo (mua 05 máy bay Nurtanio N219 của Indonesia); Nam Phi, Congo, Senegal (hợp tác công nghiệp chiến lược)…

Tóm lược kết quả chính của IAF-2 và HLF MSP, bà  Amalia Adininggar Widyasanti, Thứ trưởng phụ trách kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia cho biết kết quả lớn là các Diễn đàn đã tạo ra những cuộc gặp gỡ và những hành động mang tính thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh đó là chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững và đạt được những hợp tác cụ thể, những kế hoạch cho tương lai. Đây chính là khuôn khổ thể hiện sự đoàn kết giữa các nước.

Có thể thấy, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, hợp tác SCC sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Diễn đàn IAF-2 và HLF MSP thể hiện sự tự chủ trong hợp tác của các nước Nam bán cầu cũng như khả năng hợp tác với tất cả các bên, phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập và tích cực của nước chủ nhà Indonesia.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lợi thế của Indonesia trên cuộc đua tăng tốc tới châu Phi
Lợi thế của Indonesia trên cuộc đua tăng tốc tới châu Phi

VOV.VN - Trong hai ngày 2 và 3/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chủ trì Diễn đàn Indonesia - châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên liên quan tại tỉnh Bali (Indonesia).

Lợi thế của Indonesia trên cuộc đua tăng tốc tới châu Phi

Lợi thế của Indonesia trên cuộc đua tăng tốc tới châu Phi

VOV.VN - Trong hai ngày 2 và 3/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chủ trì Diễn đàn Indonesia - châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên liên quan tại tỉnh Bali (Indonesia).

Indonesia kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ để đạt các mục tiêu phát triển bền vững
Indonesia kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ để đạt các mục tiêu phát triển bền vững

VOV.VN - Tại diễn đàn Indonesia - Châu Phi lần thứ 2 (IAF-2) và Diễn đàn Cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên (HLF MSP) diễn ra ngày 2/9 ở Bali, nước chủ nhà Indonesia kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Indonesia kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ để đạt các mục tiêu phát triển bền vững

Indonesia kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ để đạt các mục tiêu phát triển bền vững

VOV.VN - Tại diễn đàn Indonesia - Châu Phi lần thứ 2 (IAF-2) và Diễn đàn Cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên (HLF MSP) diễn ra ngày 2/9 ở Bali, nước chủ nhà Indonesia kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Bầu cử Indonesia: Hạn chế “Khu vực bầu cử không đối thủ”
Bầu cử Indonesia: Hạn chế “Khu vực bầu cử không đối thủ”

VOV.VN - Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia hôm nay (2/9) sẽ mở lại đăng ký ứng cử viên cho vị trí những người đứng đầu các khu vực tại một số nơi chỉ có 1 cặp ứng cử viên đăng ký.

Bầu cử Indonesia: Hạn chế “Khu vực bầu cử không đối thủ”

Bầu cử Indonesia: Hạn chế “Khu vực bầu cử không đối thủ”

VOV.VN - Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia hôm nay (2/9) sẽ mở lại đăng ký ứng cử viên cho vị trí những người đứng đầu các khu vực tại một số nơi chỉ có 1 cặp ứng cử viên đăng ký.