Hợp tác quốc tế là vấn đề sống còn cho an ninh hạt nhân

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân Seoul là một phần của nỗ lực nhằm đề ra giải pháp để chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Hai năm sau khi Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân đầu tiên được tổ chức tại Washington (Mỹ), các nhà lãnh đạo và đại diện từ 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế sẽ tập hợp tại Seoul (Hàn Quốc) để thảo luận về việc ứng phó với khủng bố hạt nhân, bảo vệ vật liệu và các cơ sở hạt nhân cũng như công tác phòng chống buôn bán bất hợp pháp vật liệu hạt nhân.

Không còn nghi ngờ rằng, những nỗ lực phối hợp của quốc tế là cần thiết cho an ninh hạt nhân, đặc biệt là an ninh của uranium được làm giàu cao (HEU) và tách plutonium. Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân Seoul là một phần của nỗ lực này nhằm đề ra giải pháp để chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân Seoul sẽ đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo an ninh hạt nhân thời gian tới (Ảnh: Reuters)
Các nhà phân tích tin rằng, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân Seoul sẽ tập trung vào việc đánh giá các cam kết thoả thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Washington; đặt ra các cam kết quốc gia mới để tăng cường an ninh vật liệu hạt nhân, cũng như lập kế hoạch với một tầm nhìn thực tế và các biện pháp thực hiện.

Sau khi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị sóng thần phá hủy tháng 3/2011, gây ra một thảm họa hạt nhân cho Nhật Bản, sự an toàn của các cơ sở hạt nhân cũng sẽ là một nội dung quan trọng được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần này./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên