Hungary cảnh báo sẽ phản đối lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga
VOV.VN - Một quan chức cấp cao Hungary cho biết, nếu các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga, nước này sẽ không ủng hộ.
Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cảnh báo, Budapest sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào năng lượng của Nga.
“Hungary đã nỗ lực rất nhiều để duy trì sự thống nhất của châu Âu nhưng nếu gói trừng phạt mới có các biện pháp nhằm vào ngành năng lượng của Nga thì chúng tôi sẽ không ủng hộ”, ông Gulyas nói trong cuộc họp hôm 29/9.
“Chúng tôi đang chờ đợi danh sách đầy đủ và cuối cùng về các biện pháp trừng phạt Nga, sau đó sẽ trao đổi với EU về vấn đề này. Hungary không thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt năng lượng”, quan chức Hungary nói.
Ông Gulyas cũng nhắc lại lời chỉ trích của Thủ tướng Hungary Viktor Orban rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga đã “phản tác dụng”.
Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary nói rằng các hạn chế áp đặt lên thương mại Nga đã không thể chấm dứt chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine mà còn gây tổn hại cho các quốc gia châu Âu nhiều hơn là Nga. Ông Gulyas đưa ra lý do là Nga đã thu được lợi nhuận nhờ giá năng lượng tăng cao.
Hungary phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga và đã phản đối các lệnh trừng phạt của EU. Vào hồi tháng 5, Hunagry đã được miễn trừ trong lệnh cấm vận dầu Nga của EU, giúp nước này có thể tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Moscow.
Ngày 28/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất các biện pháp trừng phạt thứ tám nhằm vào Nga.
“Chúng tôi không chấp nhận cuộc trưng cầu ý dân giả và bất kỳ hình thức sáp nhập nào ở Ukraine, và chúng tôi quyết tâm khiến Điện Kremlin phải trả giá cho việc leo thang”, bà von der Leyen nói, đề cập đến cuộc trưng cầu của bốn vùng tại Ukraine về việc sáp nhập vào Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm áp đặt hạn chế thương mại hơn nữa với Nga, liệt kê các cá nhân Nga vào danh sách đen của EU và áp trần giá dầu mỏ từ Nga.
EC sẽ thông báo đề xuất này tới 27 nước thành viên EU và các biện pháp trừng phạt cần có sự thống nhất của các quốc gia để thực thi./.