Hungary kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra vụ nổ Nord Stream
VOV.VN - Trả lời phỏng vấn RIA Novosti, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã nói về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II cũng như kêu gọi vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc điều tra vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).
Trong đó, ông Szijjarto khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II, vì chúng không liên quan đến năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, chính phủ Hungary đã phải tham gia vào một cuộc đấu tranh khó khăn tại các diễn đàn châu Âu để giữ cho ngành công nghiệp hạt nhân thoát khỏi lệnh trừng phạt.
Ông Szijjarto cho biết, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đang đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với hãng công nghệ hạt nhân Rosatom của Nga nhằm hạn chế hợp tác hạt nhân giữa Nga và các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, đây là điều mà chính phủ Hungary sẽ không bao giờ đồng ý.
Theo ông Szijjarto, vấn đề không phải là các biện pháp trừng phạt mà đó là việc có một số quốc gia thành viên của EU coi đây là vấn đề chính trị, trong khi vấn đề năng lượng nên được tiếp cận mà không có bất kỳ động cơ ý thức hệ nào. Ông Szijjarto đề cập đến trường hợp của Đức, mà theo quan điểm của ông, chính phủ Đức, hoặc ít nhất hai thành viên đảng Xanh của chính phủ Đức, đang ngăn chặn việc thực hiện hợp đồng đã ký giữa Rosatom và Siemens Energy.
Ông Szijjarto cho rằng, đây là một sự xâm phạm rõ ràng đối với chủ quyền của Hungary, bởi vì Hungary coi an ninh năng lượng là một vấn đề thuộc chủ quyền. Và những gì chính phủ Đức đang làm không có cơ sở pháp lý hoặc nghề nghiệp. Chỉ có một cách tiếp cận chính trị đằng sau nó, điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Tuần trước, Nga đã đề xuất một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi điều tra vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc. Theo quan điểm của ông Szijjarto, những gì đã xảy ra với đường ống này thực sự rất tai tiếng. Đây là lần đầu tiên một cơ sở hạ tầng quan trọng lớn như vậy của châu Âu bị tấn công, và về nguyên tắc, nó nên được coi là một cuộc tấn công khủng bố. Hungary ủng hộ một cuộc điều tra toàn diện, chuyên sâu, có cấu trúc và chi tiết về những gì đã xảy ra. Bất kể ai là người khởi xướng, chính phủ ủng hộ một cuộc điều tra mang lại hy vọng tìm ra ai đã làm và tại sao./.