Hy Lạp cần “ở lại khu vực đồng euro”
Trong bối cảnh sự ngờ vực ngự trị tại các thị trường tài chính châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 5/10 đã có những tuyên bố mang tính trấn an thị trường.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Brussels và có buổi làm việc với Ủy ban châu Âu. Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso sau đó, bà Merkel đã bác bỏ mọi tin đồn về khả năng Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tin đồn này thường hay xuất phát ngay từ chính nước Đức, bởi công luận và không ít nhà chính trị nước này phản đối việc Đức phải “móc hầu bao” để cứu trợ cho một nước Hy Lạp chi tiêu thiếu kỷ luật. Thủ tướng Đức Merkel một lần nữa khẳng định rằng việc Hy Lạp ở lại khu vực đồng euro là cần thiết và Hy Lạp sẽ có cơ hội để vực dậy khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Một chủ đề rất nóng khác tại châu Âu liên quan đến lĩnh vực ngân hàng cũng được bà Merkel đề cập. Trong bối cảnh ngân hàng Dexia của Pháp và Bỉ đang gặp rất nhiều khó khăn và được coi là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu phải nỗ lực tìm giải pháp nhằm tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng như năm 2007-2008 sau vụ phá sản của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers. Về vấn đề này, Thủ tướng Angela Merkel nêu quan điểm: “Chúng tôi đã nhấn mạnh trong hai ngày qua và tiếp tục khẳng định rằng Chính phủ Đức sẵn sàng ủng hộ việc tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng. Chúng ta cần các tiêu chí chung. Tôi nghĩ rằng thời gian đang thúc ép và chúng ta phải ra quyết định một cách nhanh chóng.”
Thủ tướng Merkel khẳng định Chính phủ Đức sẵn sàng đi tiên phong làm mẫu bằng cách tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng tại Đức. Thậm chí, bà Merkel không loại trừ việc đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels diễn ra vào hai ngày 17 và 18/10 sắp tới.
Rất nhạy cảm với những tuyên bố của Thủ tướng Đức Merkel và Ủy ban châu Âu, thị trường chứng khoán châu Âu đã vực dậy sau khi nhuốm màu đỏ mấy ngày trước đó. Các chỉ số chứng khoán của các thị trường lớn ở châu Âu như Pháp, Đức, Italy... đều tăng từ 3 đến 5% khi kết thúc phiên giao dịch của ngày 5/10./.