Hy Lạp cần thêm thời gian để cải cách
Các chuyên gia cho rằng, thời gian 2 năm để Hy Lạp thực hiện cải cách là quá ngắn so với thời gian nước này thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
- Thủ tướng Hy Lạp thăm Đức thương thảo về khủng hoảng nợ
- Nợ xấu hệ thống ngân hàng châu Âu vượt 1.000 tỷ euro
Ngày 24/8, Thủ tướng Hy Lạp Samaras đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Mekel tại thủ đô Berlin và theo kế hoạch, ông sẽ tới Pháp để hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande vào hôm nay (25/8).
Thủ tướng Hy Lạp trong chuyến công du tới Đức gặp Thủ tướng Angela Merkel đàm phán về gia hạn nợ (Ảnh: Reuters) |
Các cuộc hội đàm là cơ hội để Thủ tướng Hy Lạp đưa ra đề nghị các chủ nợ đồng ý gia hạn thêm 2 năm để Hy Lạp tiếp tục thực hiện các cải cách và lấy lại thăng bằng cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, Đức cần cho Hy Lạp thêm thời gian để cải cách. Ông Christiopheros Triadafillu, chuyên gia thương mại Hy Lạp cho rằng: “Người Hy Lạp là những người làm việc chăm chỉ song các chính trị gia đang phản bội lại người dân. Tôi hy vọng rằng Thủ tướng Đức sẽ mở rộng cửa đối với ý tưởng cho Hy Lạp thêm thời gian để thực hiện cải cách. Hiện tại Hy Lạp chưa có cơ sở để thực hiện thành công các hoạt động cải cách ngay từ đầu”.
Nhà phân tích thị trường Hy Lạp Robert Halver thì cho rằng, thời gian 2 năm để Hy Lạp thực hiện cải cách là quá ngắn so với thời gian nước này thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
“Hy Lạp cần ít nhất 2 năm để thực hiện các cam kết song 2 năm cũng là không đủ để Hy Lạp thực hiện cam kết của mình. Vậy tại sao Hy Lạp vẫn phải tuân thủ các biện pháp khắc khổ trong 12 tháng qua. Tôi không tin Hy Lạp có thể làm được. Đây chỉ là cam kết không có thật”, ông Halver nói.
Trong khuôn khổ chương trình “thắt lưng buộc bụng”, các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã thảo luận để đưa ra các biện pháp hạn chế chi tiêu trong hai năm 2013 - 2014 nhằm cắt giảm hơn 11 tỷ euro, tương đương hơn 14 tỷ USD để được giải ngân khoản cứu trợ hơn 31 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Các biện pháp cải cách này sẽ phải đủ sức thuyết phục các định chế tài chính gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế trước khi “bộ ba” này đưa ra quyết định cuối cùng về khoản cứu trợ tiếp theo./.