Hy Lạp có thể sớm nhận được khoản vay từ EU

Các lãnh đạo châu Âu đang tăng cường các nỗ lực nhằm đạt những thoả thuận cuối cùng về việc triển khai chương trình cứu trợ Hy Lạp.

>>Đức không muốn hỗ trợ Hy Lạp một cách vội vàng

Ngày 26/4, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có cuộc gặp với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso tại Paris. Nội dung chính của cuộc gặp này nhằm thảo luận về việc cứu trợ Hy Lạp.

Theo thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp, tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết phải nhanh chóng hành động một cách kiên quyết để chống lại tình trạng đầu cơ nhằm vào Hy Lạp, tạo sự ổn định cho khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược kinh tế chung đầy tham vọng của châu Âu, để tránh các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Về phần mình, Đức vẫn tiếp tục quan điểm cứng rắn trong vấn đề cứu trợ Hy Lạp. Đức cho rằng việc cứu trợ Hy Lạp không phải là vô điều kiện và Hy Lạp phải tính tới khả năng áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trong thời gian dài.

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: “Hiện tại, điều quan trọng là Hy Lạp phải chứng tỏ một cách thuyết phục rằng, nước này sẵn sàng cam kết thực hiện một kế hoạch phục hồi kinh tế và tài chính dài hạn. Việc này không thể chỉ kéo dài một năm. Thông thường, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đàm phán các chương trình như vậy trong 3 năm”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, thái độ của Chính phủ Đức hoàn toàn dễ hiểu bởi vào thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng trong nước, việc bất chấp quan điểm của cử tri Đức - vốn phản đối việc cứu trợ Hy Lạp, sẽ gây hậu quả khó lường về mặt chính trị.

Bên cạnh đó, thái độ cứng rắn này cũng là tín hiệu gửi tới những quốc gia có nguy cơ khác trong khu vực đồng euro rằng, các nước này cần hành xử có trách nhiệm và Đức không dễ dàng móc hầu bao cứu trợ Hy Lạp. Tuy vậy, các nước châu Âu sẽ không bỏ rơi Hy Lạp. Thực tế, Đức đã đề nghị đóng góp 8 tỷ euro trong tổng số 30 tỷ euro mà các nước khu vực đồng euro dự kiến cứu trợ Hy Lạp.

Nếu không có những thay đổi lớn, Hy Lạp có thể nhận được các khoản cứu trợ của châu Âu và IMF  kịp thời, tức là vào khoảng giữa tháng 5 tới, thời hạn mà Hy Lạp buộc phải có các khoản vay để trang trải các khoản nợ công trong nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên