Hy Lạp có tìm nguồn tài chính bên ngoài châu Âu?
VOV.VN - Nhiều ý kiến cho rằng, khi mâu thuẫn trở nền khó giải quyết với châu Âu, đặc biệt là Đức, thì Hy Lạp nhiều khả năng sẽ tìm nguồn hỗ trợ khác, như Nga.
Tranh cãi giữa Đức và Hy Lạp cho vấn đề bồi thường sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đang “đổ thêm dầu vào lửa” cho căng thẳng giữa 2 nước liên quan đến gói cứu trợ tài chính cho Hy Lạp và cả tiến trình thực hiện cải cách kinh tế của nước này.
Nhiều ý kiến phân tích cho rằng, khi mâu thuẫn trở nền khó giải quyết với châu Âu, đặc biệt là Đức, thì Hy Lạp nhiều khả năng sẽ tìm nguồn hỗ trợ khác, như Nga, thay vì phải tiếp tục “nài nỉ” các nước láng giềng châu Âu.
Diễn biến mới nhất trong tranh cãi bồi thường sau chiến tranh giữa Đức và Hy Lạp là tuyên bố hồi đầu tuần này của Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp nói rằng, Đức nợ Hy Lạp gần 279 tỷ euro tiền bồi thường.
Nhanh chóng đáp trả, giới chức Đức ngày 7/4 tuyên bố đòi hỏi này của Hy Lạp là “quá đáng” và “không hề khôn ngoan”. Phía Đức cho rằng khoản bồi thường đã nằm trong thỏa thuận hậu chiến giữa 2 nước.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” khi thỏa hiệp với các đối tác châu Âu và các chủ nợ chưa đi đến đâu, cộng với cáo buộc qua lại căng thẳng với Đức, thì Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm nay đến thăm Nga. Theo kế hoạch, ông Tsipras sẽ có cuộc gặp Tổng Nga Vladimir Putin, vốn được cho là sẽ giúp Hy Lạp huy động được nguồn hỗ trợ thay vì phải tiếp tục “nài nỉ” các đối tác châu Âu.
Các phương tiện truyền thông của Nga đưa tin sau chuyến thăm này của Thủ tướng Hy Lạp, Moscow ít nhất là có thể dỡ bỏ phần nào lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ Liên minh châu Âu với Hy Lạp. Động thái sẽ giúp kích thích nền kinh tế Hy Lạp, song đi kèm với đó là tác dụng phụ khiến phương Tây lo ngại rằng Tổng thống Putin muốn chia rẽ châu Âu.
Nhà phân tích chính trị George Tzogopoulos tại Tổ chức Hellenic nghiên cứu về Châu Âu và Chính sách ngoại giao (Hellenic Foundation for European and Foreign Policy) cho rằng: “Hy Lạp không muốn chọc giận Liên minh châu Âu, nhưng họ có thể gây sức ép với Liên minh châu Âu khi cho thấy rằng về lý thuyết thì Hy Lạp có thể tìm được nguồn thay thế để đảm bảo tài chính cho nền kinh tế đất nước”.
Với người dân Hy Lạp, vốn đã bị vắt kiệt vì chính sách thắt lưng buộc bụng trong suốt 4 năm qua- điều khiến họ giành lá phiếu cho ứng cử viên cánh tả Tsipras, thì nhiều người đã nêu quan điểm rằng đã đến lúc Thủ tướng Tsipras nên tìm giải pháp kinh tế bên ngoài châu Âu.
Ông Kostas, một người dân tại thủ đô Athens nói: “Các đối tác châu Âu không hề kiên nhẫn với những cải cách kinh tế của Hy Lạp. Thủ tướng Tsipras cần phải tiến ra bên ngoài, vượt qua Đại Tây Dương, tới Trung Quốc và tới Nga hay phần còn lại của thế giới”.
Giữa các chiều thông tin dư luận như vậy, người phát ngôn chính phủ Hy Lạp chỉ thông báo Thủ tướng Tsipras và Tổng thống Putin có kế hoạch thảo luận về quan hệ kinh tế giữa 2 nước và những trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Trước đó, chính phủ Hy Lạp từng nhấn mạnh rằng họ sẽ không tìm kiếm hỗ trợ từ điện Kremlin.
Tuy nhiên, Hy Lạp lúc này thực sự ở bước đường cùng và đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi đến nay vẫn không thể đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để triển khai khoản vay tiếp theo cho Athens. Trong khi, Nga và Hy Lạp giữ mối quan hệ truyền thống tốt từ xưa tới nay và Hy Lạp còn chưa bao giờ ủng hộ mạnh mẽ các trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga./.