Hy vọng nối lại hoà đàm Palestine - Israel

Ngày 8/2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã nhất trí trên nguyên tắc với đề xuất của Mỹ về đàm phán gián tiếp giữa Palestine và Israel dưới sự trung gian của Mỹ

>> Palestine tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới Arab và quốc tế

Trong tuyên bố chính thức khi đang ở thăm Azebajan ngày 9/2, Ngoại trưởng Israel Lieberman khẳng định, đàm phán gián tiếp về hoà bình Trung Đông sẽ sớm được thực hiện. Lời khẳng định của Ngoại trưởng Israel đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Palestine Abbas tuyên bố chấp nhận về nguyên tắc việc nối lại đàm phán gián tiếp với Israel theo đề xuất của Mỹ và do Mỹ làm trung gian.

Theo đề xuất, do Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông George Mitchell chuyển tới các bên, đàm phán gián tiếp sẽ diễn ra trong 3 tháng và Israel phải có thiện chí với Palestine, thực thi sáng kiến 5 điểm mà Mỹ đưa ra. Sáng kiến bao gồm việc Israel trả tự do cho tù nhân Palestine và ngừng tấn công các thành phố của Palestine; đồng thời chuyển giao thêm quyền quản lý nhiều khu vực ở Bờ Tây cho người Palestine, mở lại các văn phòng chính trị của người Palestine ở Đông Jerusalem và cho phép chuyển vật liệu xây dựng và các hàng hóa vào Dải Gaza.

Cùng với Israel, Chính quyền Mỹ đã hoan nghênh việc Tổng thống Palestine Abbas chấp nhận việc đàm phán hoà bình gián tiếp với Israel, dù chỉ là trên nguyên tắc và với điều kiện là việc Israel phải chấm dứt hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư Do Thái. Tuy nhiên, quyết định của người đứng đầu Chính quyền Palestine lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Phong trào Hồi giáo Hamas, đối tác chính trong tiến trình hoà giải Palestine của Phong trào Fatah mà Tổng thốngAbbas làm Chủ tịch. Các quan chức Hamas khẳng định, hành động của Tổng thống Abbas là sự nhượng bộ không thể chấp nhận. Một quan chức giấu tên của Hamas thậm chí cáo buộc, Tổng thống Abbas đã phản bội lại lợi ích của người Palestine. Việc làm này sẽ phá hoại tiến trình hoà giải và cả sự nghiệp của người Palestine. 

Theo đề xuất của Mỹ, nếu đạt được sự thống nhất, đàm phán gián tiếp giữa Palestine và Israel sẽ được nối lại vào ngày 20/2 này. Giới quan sát cho rằng, dù vấp phải sự phản đối từ phía Hamas, song cuộc đàm phán gián tiếp do Mỹ bảo trợ vẫn có khả năng diễn ra theo dự kiến. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là kết quả sẽ ra sao? Câu trả lời rất có thể sẽ chỉ lại là một con số không tròn trịa, hệt như trong tiến trình đàm phán trực tiếp, cũng do Mỹ bảo trợ và đổ vỡ cách đây hơn một năm. Đó là nhận định của rất nhiều nhà phân tích khu vực, trong đó có cả người Palestine./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên