Điều gì quyết định tình trạng nặng - nhẹ của bệnh nhân mắc Covid-19?
VOV.VN - Các nghiên cứu cho thấy có tới 80% bệnh nhân Covid-19 hoặc nhiều hơn là những người mang “mầm bệnh thầm lặng”, không có hoặc có triệu chứng rất nhẹ.
Virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 đã làm lây nhiễm hơn 2,5 triệu người trên toàn thế giới và cướp đi mạng sống của trên 170.000 người. Tuy nhiên, nhiều người trong số các ca mắc bệnh không xuất hiện triệu chứng. Các nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy có tới 80% bệnh nhân hoặc nhiều hơn là những người mang “mầm bệnh thầm lặng”, không có hoặc có triệu chứng rất nhẹ.
Ảnh minh họa: AP. |
Trẻ em và những người trẻ khỏe có vẻ như không xuất hiện hoặc ít xuất hiện triệu chứng. Nhưng để tính toán tỉ lệ thực sự từ những người không có triệu chứng đến những người bị nặng cần phải xét nghiệm mở rộng toàn bộ dân số và điều này vẫn chưa khả thi.
Điều gì xảy ra khi virus xâm nhập cơ thể?
Giống như tất cả các loại virus khác, virus SARS-CoV-2 cần phải vào được bên trong tế bào của người để sinh sôi và tồn tại. Để thực hiện điều này, virus sử dụng những gai chìa ra để bám vào các thụ thể ACE2. Các thụ thể này thường được tìm thấy trong tim, phổi, thận và ruột.
Khi một người bị nhiễm virus, có thể mất 14 ngày để xuất hiện triệu chứng, đây gọi là thời gian ủ bệnh. Con đường dẫn tới nhiễm trùng có thể rất khác nhau. Hệ thống miễn dịch của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong xác định điều này. Có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ trong thời gian ủ bệnh có thể giúp ngăn chặn nhiễm trùng, giảm số lượng virus trong cơ thể và ngăn nó xâm nhập vào phổi.
Hệ thống miễn dịch cung cấp cho chúng ta 2 tuyến phòng thủ chống lại virus. Đầu tiên là “rào chắn bẩm sinh” bao gồm các rào cản vật lý như da, niêm mạc (niêm mạc họng và niêm mạc mũi), các protein và phân tử tìm trong tế bào, cùng nhiều tế bào bạch cầu tấn công virus xâm nhập. Phản ứng miễn dịch này mang tính phổ biến, không đặc thù và diễn ra nhanh chóng.
Trẻ em có hệ thống miễn dịch phát triển chưa đầy đủ nhưng có giả thiết giải thích lý do tại sao trẻ em không dễ tổn thương trước Covid-19 là bởi phản ứng miễn dịch bẩm sinh của trẻ đối với virus SARS-CoV-2 mạnh hơn ở người lớn. Điều này giúp trẻ em loại bỏ virus nhanh hơn.
Tuyến phòng thủ thứ 2 là phản ứng miễn dịch thích nghi. Điều này phải mất nhiều thời gian để hình thành nhưng một khi được thiết lập sẽ hiệu quả hơn trong việc chống lại một căn bệnh nhiễm trùng riêng biệt khi gặp lại nó. Bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch thích nghi sớm, cơ thể có thể phát hiện virus trong thời gian ủ bệnh và chống lại nó.
Báo chí quốc tế “giải mã” bí quyết chiến thắng dịch Covid-19 của Việt Nam
Từ hình mẫu chống Covid-19 đến ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á: Singapore sai ở đâu?
Sau thời gian ủ bệnh, điều gì quyết định đến mức độ nặng nhẹ?
Nếu virus SARS-CoV-2 sống sót sau khi xâm nhập vào cơ thể (qua mắt, mũi, họng) thì nó có thể đi xuống đường hô hấp dưới và vào phổi. Trong phổi, virus bám vào các thụ thể ACE2 và tiếp tục sao chép, sinh sản. Điều này lại càng kích hoạt phản ứng miễn dịch để làm sạch các tế bào bị nhiễm virus.
Khi cuộc chiến giữa virus và phản ứng miễn dịch diễn ra, biểu mô hô hấp ở đường thở tạo ra lượng lớn chất dịch lấp đầy túi khí trong phổi, khiến oxy khó đi vào máu và khó loại bỏ CO2. Đối với một số người, phản ứng miễn dịch quá mức hoặc kéo dài gây ra triệu chứng gọi là “cơn bão cytokine”. Cytokine là một nhóm các protein gửi tín hiệu đến các tế bào trong hệ thống miễn dịch, giúp định hướng phản ứng.
“Cơn bão cytokine” là một phản ứng quá mạnh đến mức gây ra tình trạng nhiễm trùng và tổn thương nội tạng nghiêm trọng, có thể gây ra tử vong.
Ở những người mắc Covid-19, điều này gây ra hội chứng hô hấp cấp tính (ARDS) khi chất lỏng tích tụ trong phổi. Đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất do SARS-CoV-2. Người cao tuổi và những người bị rối loạn chức năng phổi mãn tính sẽ có nhiều khả năng phát triển hội chứng ARDS và có thể tử vong. Điều này được cho là do họ có ít thụ thể ACE2 trong phổi. Nghe có vẻ trái ngược vì virus SARS-CoV-2 bám vào các thụ thể này. Tuy nhiên, thụ thể ACE2 có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch, đặc biệt là kiểm soát mức độ viêm nhiễm.
Vì thế, việc giảm mức độ thụ thể ACE2 ở người cao tuổi sẽ khiến họ dễ có nguy cơ bị “bão cytokine và mắc bệnh viêm phổi nghiêm trọng”. Ngược lại trẻ em có nhiều thụ thể ACE2 hơn trong phổi, do đó thường ít hoặc không có triệu chứng.
Trong một số trường hợp, các loại thuốc có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch đã giúp giảm bớt tình trạng phản ứng miễn dịch quá mức ở những người mắc Covid-19./.