Indonesia ấp ủ tham vọng thu hút giới siêu giàu
VOV.VN - Với quy mô kinh tế lớn và vị trí chiến lược, Indonesia đang ấp ủ tham vọng trở thành trung tâm châu Á quản lý tài sản, một “thiên đường” mới của giới siêu giàu, nhằm cạnh tranh với Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, chính phủ Indonesia cần phải thận trọng chuẩn bị mọi phương án kiểm soát và quản lý kỹ lưỡng để ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, từ đó mới có thể tạo dựng được uy tín và niềm tin cho các nhà đầu tư.
Thiên đường mới của giới siêu giàu tại châu Á?
Động lực để chính quyền Indonesia đưa ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành “thiên đường mới của giới siêu giàu" trước hết phải tính đến tiềm năng mà lĩnh vực này mang lại đối với nền kinh tế quốc gia. Theo báo cáo gần đây, dân số của những cá nhân siêu giàu ở châu Á dự kiến sẽ tăng 38,3% trong giai đoạn 2023 - 2028. Nhu cầu cho các văn phòng gia đình đang gia tăng trong khu vực nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng ở châu Á và sáng kiến của các nước thúc đẩy lĩnh vực này. Dựa trên xu hướng này, Indonesia nhìn thấy cơ hội thu hút vốn từ các quỹ tài chính gia đình toàn cầu, hiện ước tính quản lý số tiền khoảng 11,7 nghìn tỷ USD.
Cũng có nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi đối với một quốc gia có kinh tế phát triển như Indonesia tại sao ý tưởng thu hút các văn phòng gia đình giờ mới được đẩy mạnh?
Trước hết, về lợi ích của văn phòng gia đình tại Indonesia hay hầu hết các quốc gia khác chúng ta đều thấy đó là thu hút sự giàu có từ các quốc gia khác để tăng trưởng kinh tế quốc gia, cũng như tăng cường lưu thông vốn trong nước, mang lại tiềm năng tăng tổng thu nhập quốc nội, việc làm và tiêu dùng địa phương.
Tuy nhiên đối với Indonesia ở thời điểm này, theo nhiều chuyên gia, Indonesia cũng đang có quá nhiều dự án lớn và cần phải thực hiện thành công. Do đó Văn phòng gia đình là một giải pháp tài chính hiệu quả. Mặc dù gián tiếp, nhưng kế hoạch này cũng có tiềm năng mang lại lợi ích thông qua việc tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng kinh tế địa phương và quản lý tài sản tốt hơn.
Ngoài ra, tỷ lệ người giàu ở Indonesia cũng không phải nhỏ và việc thúc đẩy mục tiêu này cũng để các tập đoàn Indonesia không cần phải sang Singapore hay Hong Kong. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà còn giữ chân các nhà đầu tư trong nước để tài sản không chảy ra nước ngoài.
Cuộc đua lợi thế
Để đạt mục tiêu này, Indonesia phải cạnh tranh gay gắt với hai trung tâm tài chính hàng đầu khu vực vốn có danh tiếng nhiều thập kỷ qua là Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).
Trước hết về lợi thế, Indonesia có điều kiện tăng trưởng kinh tế mạnh, điều kiện chính trị ổn định và định hướng địa chính trị trung lập. Với những điều kiện này, nhà đầu tư sẽ an tâm hơn khi những xung đột và cạnh tranh giữa các cường quốc đang gia tăng trong khu vực. Hai nền kinh tế Singapore và Hồng Kong là điểm đến hàng đầu của các văn phòng gia đình hiện nay tại châu Á cũng đối mặt với một số vấn đề, như điều kiện địa chính trị ở Hong Kong và những thay đổi trong quy định đầu tư ở Singapore, nên Indonesia hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội trở thành địa điểm thay thế. Hiện Indonesia cũng đang thúc đẩy Bali và thủ đô mới Nusanrata là điểm đến lý tưởng cho các văn phòng gia đình. Theo đánh giá, Bali có các quy định pháp lý và hệ thống y tế tốt, phù hợp cho các văn phòng gia đình trong bối cảnh hợp tác toàn cầu phía Nam đang được đẩy mạnh.
Về mặt hạn chế, Indonesia còn thiếu cơ sở hạ tầng tài chính hỗ trợ và các quy định hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Kế hoạch này được đánh giá tốt nếu xét đến tiềm năng to lớn, nhưng nhiều chuyên gia cũng tin rằng đề xuất này không thể thực hiện được trong thời gian ngắn tại Indonesia. Trước hết là rủi ro. Đây không chỉ là về “địa điểm ở Bali, miễn thuế”, mà còn có những vấn đề bảo mật kỹ thuật số hay quản trị - hai điều mà Singapore và Hong Kong làm rất tốt. Do đó vẫn còn một chặng đường dài để các văn phòng gia đình sẽ lựa chọn Indonesia, với các điều kiện bao gồm sự chắc chắn về mặt pháp lý, bảo mật cá nhân cũng hạn chế nguy cơ rửa tiền ở mức thấp nhất.
Hóa giải thách thức
Một trong những điểm yếu của kế hoạch này là khả năng lạm dụng văn phòng gia đình làm nơi trốn thuế và rửa tiền. Bản thân Singapore là quốc gia có các quy định chặt chẽ cũng đang phải đối mặt với vấn đề này. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng chính phủ Indonesia không nên bị sức ép hay áp lực về thời gian, bắt đầu tiến hành các nghiên cứu thích hợp ngay từ bây giờ bằng cách thu hút các chuyên gia có năng lực để đánh giá kế hoạch trước khi được thực hiện.
Indonesia cũng cần một khung pháp lý mạnh mẽ để thắt chặt các quy định liên quan đến rửa tiền, cũng như cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vụ tấn công mạng vào trung tâm dữ liệu quốc gia của Indonesia gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về tính bảo mật và bảo vệ dữ liệu - mối lo ngại lớn của những chủ sở hữu văn phòng gia đình giàu có.
Ngoài ra, viện chính sách công The Prakarsa cho rằng, kế hoạch thu hút văn phòng gia đình có thể gây ra tình trạng bất công, bất mãn vì người giàu sẽ ngày càng được ưu tiên thông qua các cơ chế miễn thuế. Trong khi đó, chính phủ đang có kế hoạch thu thuế cao hơn từ tầng lớp trung lưu thấp hơn, chẳng hạn như Thuế thu nhập 12% vào năm 2025. Để khắc phục điều này, chính phủ cần đảm bảo có các quy định chặt chẽ và giám sát tốt, xây dựng các chính sách minh bạch và đảm bảo lợi ích kinh tế được lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp trong xã hội.