Indonesia chống chọi với lũ lụt khi thời tiết khắc nghiệt tấn công khu vực
VOV.VN - Với hiện tượng thời tiết La Nina đang diễn ra mạnh mẽ và các xoáy thuận nhiệt đới được phát hiện trong các vùng rộng lớn hơn, nhiều khu vực ở Indonesia đang trong tình trạng cảnh báo về các trận mưa lớn gây ra lũ lụt.
Từ lâu, thủ đô đông dân cư Jakarta đã là địa điểm thường xuyên xảy ra lũ lụt, trận đại hồng thủy năm 2020 vẫn còn nguyên trong tâm trí người dân nơi đây. Khi thời tiết xấu xảy ra trong nước và khu vực Đông Nam Á, các nhà quản lý thành phố đang nỗ lực chuẩn bị giảm nhẹ thiên tai.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Khu vực Jakarta ngày hôm qua đã yêu cầu người dân tiếp tục đề phòng thời tiết cực đoan có thể diễn ra vào ngày 22-24/12/2021. Cơ quan này cho biết, Jakarta được đặt ở trạng thái “sẵn sàng” để đối phó những cơn mưa lớn kèm theo ảnh hưởng lũ lụt quét trên toàn thành phố, trừ khu vực Trung tâm ở trong trạng thái “cảnh giác”.
Những cơn mưa như trút nước hơn 1 tuần qua đã khiến nhiều khu vực ở Jakarta bị ngập lụt. Dữ liệu của cơ quan này ngày 20/12 cho thấy, có 21 khu vực ở Jakarta bị ngập tới 60cm. Một số khu vực ven biển và ở khu vực vạn đảo đã bị nhấn chìm dưới biển nước khi mưa lớn trút xuống kết hợp thủy triều dâng cao.
Không chỉ ở Jakarta, nhiều khu vực khác trên toàn Indonesia cũng bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa như trút nước gây lũ quét và sạt lở đất. Người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, bà Dwikorita Karnawati cho biết, trong hơn mười năm qua cường độ của các hiện tượng xoáy thuận nhiệt đới ở Indonesia đã tăng lên do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, mặc dù hiện tượng lốc xoáy là hiếm gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Indonesia. Bà Dwikota cho biết, thông thường Indonesia chỉ bị ảnh hưởng bởi phần đuôi của lốc xoáy, nhưng hiện nay mầm mống của lốc xoáy đã xuất hiện và hình thành trên lãnh thổ Indonesia. Tháng 4/2021, bão nhiệt đới Seroja đã gây ra lũ quét và sạt lở đất ở Đông Nusa Tenggara của nước này
Thời tiết cực đoan này xảy ra do hiện tượng La Nina. Tình trạng này sẽ ngày một trầm trọng hơn khi chu kỳ mùa mưa tiếp tục thay đổi từ năm này sang năm khác do biến đổi khí hậu khi trái đất nóng lên.
Theo Người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, thiếu năng lực đối phó với nước dâng cao do mưa lớn cùng lối sống vứt rác bừa bãi khiến dòng sông ngày càng cạn và tắc nghẽn sẽ gây ra thảm họa lũ lụt tại Indonesia. Các con kênh, sông và hồ chứa thủy lợi ở Indonesia hiện chưa sẵn sàng và chưa được thiết kế để đối phó với các hình thái thời tiết khắc nghiệt trong biến đổi khí hậu.
Chính phủ được yêu cầu chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau từ rủi ro thấp nhất đến rủi ro xấu nhất khi thời tiết khắc nghiệt ở Indonesia hiện phổ biến hơn nhiều so với những năm trước đây./.