Indonesia đánh giá nợ của chính phủ trong ngưỡng an toàn, phù hợp
VOV.VN - Indonesia đánh giá nợ của chính phủ nước này đến nay vẫn trong ngưỡng an toàn, phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Ông Ferry Irawan, Phó Giám đốc điều phối các vấn đề kinh tế và tài chính vĩ mô thuộc Bộ Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia, cho biết chính phủ Indonesia tài trợ bằng nợ để đáp ứng nhu cầu ngân sách Nhà nước, trong khi doanh thu Nhà nước chưa đủ tài trợ cho mọi chi tiêu Nhà nước hoặc khi cần huy động nguồn vốn đầu tư.
Trong giai đoạn 2014 – 2019, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chính phủ Indonesia ở mức 24, 68% - 30,23%. Con số này được đánh giá tăng ở mức vừa phải, đặc biệt trong bối cảnh hỗ trợ đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia. Dù chi tiêu tăng đáng kể trong giai đoạn Covid-19, chính phủ Indonesia đã thành công trong việc kiểm soát tốc độ tăng nợ từ 2021 đến nay. Năm 2023, nợ chính phủ Indonesia được ghi nhận ở mức 39,21% GDP. Tính đến tháng 7/2024, nợ chính phủ Indonesia giảm còn 38,68% GDP, cách xa mức trần nợ đề ra là 60% GDP.
Theo ông Ferry Irawan, công tác quản lý nợ của Indonesia tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, kiểm soát rủi ro về lãi suất, tiền tệ, thanh khoản…để Ngân sách Nhà nước lành mạnh, bền vững. Đến nay, nợ của chính phủ Indonesia được cho là trong ngưỡng an toàn, phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nợ của Indonesia có thể tiếp tục giảm còn khoảng 38,3% GDP trong trung hạn. Để đạt mục tiêu này, chính phủ Indonesia đang nỗ lực giảm tỷ lệ nợ trên GDP thông qua tối ưu hóa nguồn thu ngân sách Nhà nước bằng cải cách thuế, cải cách quản lý tài nguyên thiên nhiên, ưu đãi tài chính…
Trong bản Dự thảo Ngân sách Nhà nước năm 2025, chính phủ Indonesia lên kế hoạch tài trợ bằng nợ ròng ở mức hơn 775.000 tỷ rupiah (khoảng hơn 50 tỷ USD), ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy chuyển dịch kinh tế toàn diện và bền vững. Chính phủ Indonesia dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2025 đạt 5,2% và thâm hụt ngân sách khoảng 2,53% GDP.