Indonesia không vội nới lỏng, chuyển tình trạng đại dịch sang bệnh đặc hữu
VOV.VN - Trong khi một số quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng các hạn chế xã hội và đối phó với Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu, Indonesia tỏ ra thận trọng khi cho rằng chưa cần làm theo các quốc gia khác.
Sau khi đạt mức tăng kỷ lục do biến thể Omicron gây ra với hơn 64.000 ca mắc mới ngày 16/2, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia liên tục giảm trong những ngày gần đây. Tuy vậy, Indonesia vẫn quyết định gia hạn các Giới hạn hoạt động xã hội, nâng mức giới hạn của 4 thành phố có nhiều ca mắc Covid-19 trên đảo Java lên mức giới hạn 4, mức cao nhất, tất cả mọi hoạt động làm việc, học tập và cầu nguyện tại nhà. Ngoài ra có 99 thành phố nâng được lên mức giới hạn 3.
Điều phối viên Giới hạn hoạt động Java-Bali, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan cho biết: “Mặc dù một số quốc gia đã bắt đầu nới lỏng quá trình chuyển đổi đặc hữu như Anh, Đan Mạch, Singapore, nhưng chúng tôi không cần phải làm theo những quốc gia này”.
Chính phủ Indonesia đã tổ chức các cuộc thảo luận với các chuyên gia y tế và nhà dịch tễ trong đó quyết định việc xác định tình trạng lưu hành của Covid-19 ở Indonesia sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn dựa trên dữ liệu về các chỉ số sức khỏe, kinh tế và văn hóa xã hội. Theo Bộ trưởng Luhut, trước tiên, việc xác định tình trạng lưu hành phải được đo lường dựa trên mức độ miễn dịch cộng đồng cao, số ca bệnh thấp và năng lực của các cơ sở y tế đầy đủ.
Ngoài ra, theo điều kiện tiên quyết, điều này phải xảy ra trong một khoảng thời gian dài, ổn định và nhất quán. Quá trình chuyển đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu cũng phải đạt chỉ tiêu tỷ lệ tiêm chủng nhất định đối với liều vaccine Covid-19 thứ hai và thứ ba, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Để đạt được mục tiêu tiêm chủng, chính quyền trung ương sẽ tiếp tục khuyến khích các chính quyền địa phương kêu gọi người dân tích cực tiêm chủng.
Hiện nay, Indonesia đã mở cửa cho khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn đưa ra các điều kiện về kiểm dịch. Du khách có kết quả PCR âm tính và đã tiêm chủng một liều vaccine Covid-19 phải cách ly 7 ngày, trong khi du khách đã tiêm chủng đủ hai mũi vaccine phải cách ly 5 ngày, còn du khách đã tiêm mũi vaccine tăng cường chỉ phải cách ly 3 ngày.
Chính sách kiểm dịch được Indonesia đưa ra trong bối cảnh làn sóng biến thể Omicron đang gia tăng trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 146.000 trường hợp đã tử vong./.