Indonesia, Malaysia thiết lập hành lang đi lại vaccine, hợp tác phục hồi kinh tế
VOV.VN - Indonesia và Malaysia ngày hôm qua (10/11) đã nhất trí thực hiện thỏa thuận hành lang đi lại đối với những người đã được tiêm chủng vaccine Covid-19, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trong đại dịch Covid-19.
Thỏa thuận mở lại biên giới chung đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nhân chuyến thăm đến Jakarta từ 9-11/11. Phát biểu tại họp báo chung sau cuộc gặp, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo cho biết hai bên sẽ sắp xếp hành lang du lịch “theo từng giai đoạn” để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Giai đoạn đầu, hành lang du lịch sẽ được áp dụng giữa thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, thủ đô Jakarta và đảo Bali của Indonesia. Những công dân đã được tiêm phòng đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 và có giấy xét nghiệm bằng phương pháp PCR âm tính trước khi khởi hành sẽ được đi lại giữa hai nước thông qua làn đường này.
Thủ tướng Malaysia cho biết, hiện có 96% người trưởng thành Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, ngoài ra có 65% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm vaccine. Hai bên sẽ sớm đưa ra một tuyên bố chung về chính thức mở cửa trở lại biên giới giữa hai quốc gia.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề chiến lược khác nhau. Tổng thống Indonesia khuyến khích Biên bản ghi nhớ (MoU) về bảo vệ người lao động giúp việc Indonesia được hoàn thành ngay lập tức. Indonesia cũng muốn kết thúc các cuộc đàm phán về biên giới quốc gia với Malaysia cả trên bộ và trên biển.
Đánh giá cao sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, bất chấp tình hình đại dịch COVID-19, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yakoob tuyên bố sẽ đảm bảo phúc lợi của người lao động Indonesia tại Malaysia bằng cách sửa đổi Đạo luật về Tiêu chuẩn tối thiểu đối với nhà ở, chỗ ở và tiện nghi cho người lao động (Đạo luật 446) đã được Quốc hội Malaysia thông qua.
Các vấn đề khu vực cũng được hai nhà lãnh đạo thảo luận như tình hình Myanmar, vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác. Hai nhà lãnh đạo nhất trí quan điểm các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần được giải quyết bằng con đường ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982./.