Indonesia phát triển cân bằng, bình đẳng tất cả các khu vực trên toàn đất nước
VOV.VN - Ngày 20/10, văn phòng tham mưu Tổng thống nước này đã ban hành báo cáo thường niên năm 2020, nhấn mạnh các định hướng chiến lược đưa Indonesia thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Báo cáo thường niên 2020 của chính phủ Indonesia đem đến cái nhìn tổng quan và đầy đủ về các chương trình của chính phủ xuất phát từ tầm nhìn và sứ mệnh của Tổng thống Joko Widodo. Báo cáo được chia thành hai phần.
Phần một là “Hợp tác đối mặt với Đại dịch”, trong đó nêu rõ các bước mà chính phủ đã thực hiện để đối phó với dịch Covid-19. Phần này tóm tắt các chính sách, ngân sách và tình hình khắc phục dịch Covid-19 tại Indonesia. Theo đó, năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn các kế hoạch, tuy nhiên chính phủ Indonesia đã lấy cuộc khủng hoảng làm động lực để tiến lên phía trước. Về cơ bản, chính phủ Indonesia đã thực hiện các cải cách với tư duy và đạo đức làm việc theo hướng nhanh chóng, chính xác và linh hoạt. Hiệu quả, cộng tác và công nghệ là những ưu tiên.
Ở phần 2 có tên gọi “Phục hồi -Tiến lên”, được chia thành 5 định hướng chiến lược để hướng tới một xã hội Indonesia độc lập, tiên tiến, công bằng và thịnh vượng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Indonesia trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Về nguồn nhân lực, Indonesia hướng tới giáo dục trẻ em từ khi còn trong bụng mẹ và khi đến tuổi đi học để xây dựng lớp tương lai kế cận vững vàng. Giảm tỉ lệ thấp còi ở trẻ em và tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh về thể chất và tinh thần cũng được chuẩn bị. Tạo điều kiện phát triển tài năng và tạo ra môi trường làm việc cạnh tranh, sáng tạo, lành mạnh và hạnh phúc.
Về cơ sở hạ tầng, trong báo cáo, mặc dù một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, song chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu đạt 70% đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, về những thành tựu liên quan đến chuyển đổi kinh tế. Vào năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Indonesia có nguy cơ đạt âm 5,3%. Tuy nhiên báo cáo đánh giá, kết quả này vẫn tốt hơn so với nhiều nước Đông Nam Á khác, kể cả một số nước G-20. Dịch Covid-19 đã gây ra tác động lớn đối người lao động Indonesia. Tại Indonesia đã có 3,5 triệu công nhân bị sa thải, tỉ lệ thất nghiệp là 10,4 triệu người, trong khi đó tỉ lệ nghèo đói đã tăng lên 26,42 triệu người, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Năm 2020, chính quyền Jokowi-Ma'ruf tiếp tục nỗ lực cải cách bộ máy hành chính, quan liêu, đặc biệt là về tốc độ phục vụ và cấp phép. Một trong số đó là đơn giản hóa các quy định như Đạo luật Tạo việc làm.
Cuối cùng, thành tựu trong năm vừa qua của chính quyền Joko Widodo là khẳng định lại chủ nghĩa trung tâm của Indonesia bằng cách tiếp tục phát triển tất cả các khu vực trên toàn đất nước một cách công bằng và bình đẳng. Theo đó, chính phủ Indonesia đẩy nhanh sự phát triển trong cả nước để không có sự chênh lệch giữa các vùng. Mối quan tâm chính hiện nay là Papua, Tây Papua và Đông Indonesia. Tổng thống Indonesia đã bổ nhiệm Phó Tổng thống KH Ma'ruf Amin làm Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Đẩy nhanh Phát triển Papua. “Nhà nước phải có mặt để đảm bảo hiện thực hóa một Indonesia là trung tâm ", báo cáo khẳng định./.