Indonesia sơ tán hàng trăm nghìn dân vì núi lửa Agung thức giấc
VOV.VN - Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị các biện pháp đảm bảo an toàn cho hàng trăm nghìn người dân và khách du lịch vì núi lửa Agung thức giấc.
Sau nửa thế kỷ yên ắng, núi lửa Agung trên hòn đảo du lịch Bali của Indonesia trong những ngày qua đã có hàng trăm đợt rung chấn và nham thạch tiếp tục trào ra từ miệng núi lửa. Các dấu hiệu cho thấy núi lửa đang vào giai đoạn “nghiêm trọng”.
Núi lửa Agung trên đảo Bali đang có dấu hiệu sắp sửa phun trào. Ảnh: AP
Nhà chức trách Indonesia đã công bố mức cảnh báo cao nhất, theo đó, yêu cầu hàng trăm nghìn người dân sống gần núi lửa Agung phải sơ tán. Tại thị trấn Klungkung, trên đảo Bali, 130 trại tạm đã được dựng lên để tiếp nhận người dân sơ tán.
Thị trưởng Klungkung Nyoman Suwitra cho biết: “Nếu núi lửa phun trào thì nhiệm vụ chính của chúng tôi là cung cấp nơi ở an toàn cho tất cả mọi người. Chúng tôi đã sắp xếp nơi tiếp nhận người sơ tán và điều quan trọng tiếp theo là cung cấp nhu yếu phẩm như thực phẩm và nước uống cho người dân. Chúng tôi có một hệ thống hỗ trợ hiệu quả và người dân thị trấn cũng sẵn sàng hỗ trợ những người sơ tán”.
Tổ chức Chữ Thập Đỏ Indonesia đang phối hợp với Cơ quan giảm thiểu thảm họa cùng lực lượng cảnh sát quốc gia và quân đội Indonesia để hỗ trợ người dân đảo Bali. 75.000 người tại hơn 300 khu vực trên đảo đang nhận được hỗ trợ.
Mỗi ngày đều có những chuyến xe chở lương thực, nước uống, chăn đệm và những nhu yếu phẩm khác tới các trung tâm tiếp nhận người sơ tán. Trong đó, thị trấn Klungkung là khu vực tập trung người sơ tán lớn và quan trọng. Mọi thông tin, nguồn cung cấp và lực lượng tình nguyện đều tập trung về đây.
Phó Chủ tịch Tổ chức Chữ Thập Đỏ Indonesia Gede Sudiartha nói: “Số người sơ tán là rất lớn và đây là cũng chính là khó khăn với chúng tôi. Ví dụ như làm thế nào để xác định số người sơ tán bởi vì mỗi giờ lại có thêm rất nhiều người tới các trung tâm sơ tán”.
Núi lửa Agung có đợt phun trào mạnh mẽ nhất vào năm 1963, làm hàng nghìn người thiệt mạng. Thời điểm đó, Indonesia không có cách nào để dự đoán và chuẩn bị đối phó với hoạt động của núi lửa.
Tuy nhiên, hiện nay đã khác khi cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt hơn trên đảo Bali. Chính phủ Indonesia cũng đầu tư hệ thống kỹ thuật để phát hiện sớm hoạt động của núi lửa. Sự chuẩn bị tốt của Chính phủ Indonesia là yếu tố then chốt để cứu mạng hàng nghìn người./.