Iran hòa mình vào cuộc chơi Trung Đông
VOV.VN - Khác với Israel đang bị các nước Arab “rời xa” vì chiến dịch quân sự ở dải Gaza, Iran lại đang được các nước Arab “chào đón” trở lại các chương trình nghị sự của khu vực sau nhiều năm căng thẳng, bất đồng. Bahrain đã nhất trí thúc đẩy đàm phán về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Iran, cũng như việc sắp giải phóng tài sản của Iran bị phong tỏa.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Đối thoại Hợp tác Châu Á (ACD) lần thứ 19 tại Iran, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani và Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani đã có cuộc gặp chính thức, để thảo luận chi tiết về việc thúc đẩy hòa giải giữa hai nước và khôi phục quan hệ ngoại giao sau 8 năm gián đoạn.
Ngoài ra, hai quan chức ngoại giao cấp cao của Iran và Bahrain cũng bàn về việc giải phóng tài sản của Iran, trị giá khoảng 1,3 tỷ USD - hiện đang bị phong tỏa ở Bahrain.
Trước thềm chuyến thăm Iran của Ngoại trưởng Bahrain, các cuộc đàm phán về số tiền của Iran bị phong tỏa tại Bahrain đã diễn ra giữa các Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương của hai nước và đạt hiệu quả. Trong quá trình đàm phán, hai bên nhất trí rằng việc giải phóng số tiền bị phong tỏa của Iran diễn ra trong khuôn khổ kỹ thuật và với sự tôn trọng lẫn nhau.
Được biết, Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào năm 2016, sau khi căng thẳng leo thang giữa Iran và Saudi Arabia– quốc gia đầu tàu Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) liên quan đến việc xử tử một giáo sĩ hồi giáo dòng Shiite tại Saudi Arabia. Bahrain là một trong những nước thuộc GCC theo chân Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Iran.
Tuy nhiên, sau khi Saudi Arabia và Iran khôi phục quan hệ sau các cuộc đàm phán kéo dài do Iraq, Oman và Trung Quốc làm trung gian vào tháng 3 năm ngoái, nhiều quốc gia vùng Vịnh và Arab cũng đã làm theo và mở rộng nhánh ô liu cho Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Trong các chuyến thăm Nga và Trung Quốc gần đây, Quốc vương Bahrain Al Khalifa đã chuyển các thông điệp muốn “làm lành” với Iran, với tuyên bố không có trở ngại nào cho việc trì hoãn bình thường hóa.
Trước Bahrain, các nước như Kuwait, Sudan, Ai Cập cũng như UAE và Jordan đã khôi phục quan hệ với Iran. Theo các nhà quan sát khu vực, chính sách đối ngoại thân thiện với khu vực và trọng tâm lấy phương Đông làm trung tâm của Iran đã giúp nước này thành công trong việc cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực.
Khi mối quan hệ giữa Iran và các nước Arab trong khu vực cải thiện, điều đó là một khởi đầu tốt để giải quyết những điểm nóng bậc nhất ở Trung Đông, trong đó có cuộc nội chiến ở Yemen, căng thẳng biển Đỏ - nơi Iran được cho là đang hậu thuẫn lực lượng vũ trang Houthi.
Tuy nhiên, dù các nước Arab đang dần cải thiện quan hệ với Iran song các nước vẫn tỏ ra quan ngại đến chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia này. Đây có thể là vấn đề cản trở sự phát triển trong mối quan hệ của các bên, dù Iran khẳng định không muốn theo đuổi chương trình hạt nhân quân sự.
“Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế báo cáo rằng tổng trữ lượng urani đã làm giàu của Iran hiện cao hơn 30 lần giới hạn của thỏa thuận hạt nhân (JCPOA). Iran đang tăng kho dự trữ uranium đã làm giàu lên mức chưa từng có đối với một quốc gia không có chương trình vũ khí hạt nhân. Hoạt động như vậy không có sự biện minh dân sự đáng tin cậy”, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc cho biết.