Iran ngừng xuất khẩu dầu sang EU – Con dao 2 lưỡi

Theo các nhà phân tích, nếu Iran thực hiện biện pháp trả đũa này sẽ khiến kinh tế châu Âu và Iran đều gánh chịu thiệt hại

Ngày 30/1, các nhà chức trách Iran tuyên bố sẽ sớm ngừng xuất khẩu dầu đến một số nước. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra, đây cũng sẽ là “con dao 2 lưỡi”, tác động không nhỏ tới nền kinh tế của chính Iran và của cả châu Âu.

Tuyên bố của Iran lại một lần nữa kéo dài thêm "cuộc chiến" vốn vẫn chưa có hồi kết giữa Iran và phương Tây (ảnh: Getty)
Ngày 29/1, hãng tin IRNA của Iran dẫn lời Bộ trưởng dầu mỏ Iran Rostam Qasemi cho biết, Iran sẽ sớm ngừng xuất khẩu dầu thô đến một số nước mặc dù chưa tuyên bố những nước nào sẽ nằm trong danh sách này.

Rõ ràng, Iran cũng không chịu ngồi yên hứng đòn từ các biện pháp trừng phạt ngày càng cứng rắn của Mỹ và phương Tây, mà vẫn tiếp tục đưa ra các quân bài đáp trả. Theo một nhà lập pháp Iran, chính phủ nước này có thể sẽ cắt giảm nguồn cung dầu Iran tới châu Âu trong vòng từ 5 - 15 năm. Tuy nhiên, Iran hiện nay vẫn trì hoãn một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để thông qua đề xuất ngừng bán dầu thô cho EU.

Tuyên bố của Iran lại một lần nữa kéo dài thêm cuộc chiến vốn vẫn chưa có hồi kết giữa Iran và phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Nếu như việc này xảy ra, EU - vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ chưa chắc đã xoay sở kịp. Hơn nữa, giá dầu tăng sẽ khiến các ngành công nghiệp phương Tây suy thoái nặng nề. Các nước láng giềng Arab, đồng minh của phương Tây cũng phải vật lộn để tăng sản lượng dầu.

Trước đó, Iran cũng cảnh báo, EU sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề hơn vì lệnh cấm vận do chính khối này đặt ra cho Iran. Theo các nhà chức trách Iran, lệnh cấm vận đối với nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao tới 150 USD/thùng.

Người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iran Nikzad Rahbar nhận định: “Đây mới là tuyên bố của EU và sẽ mất 6 tháng để các lệnh cấm vận được thực thi. Động thái này sẽ làm tổn hại đến chính châu Âu vì dầu sẽ đắt đỏ hơn. Nếu giá dầu cứ tiếp tục tăng cao thì các nước châu Âu sẽ còn phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn”.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nếu Iran ngay lập tức ngừng xuất khẩu dầu sang châu Âu thì việc này sẽ như một “con dao 2 lưỡi”, đồng thời sẽ là đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế của chính Iran.

Trong khi Iran vẫn luôn cho rằng, nếu lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực vào tháng 7 tới, hoặc kể cả khi Iran đơn phương chấm dứt các hoạt động xuất khẩu dầu sang EU ngay từ bây giờ, nền kinh tế nước này cũng sẽ không chịu tác động gì lớn, bởi nếu không có EU, Iran vẫn còn thị trường dầu rộng lớn và từ lâu cũng đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với các biện pháp trừng phạt của châu Âu.

Mặc dù vậy, người ta vẫn có thể nhận thấy, nền kinh tế của Iran đang bị “chao đảo”. Theo hãng tin BBC của Anh, đồng nội tệ rial của Iran trong tuần qua mất giá tới 10%. Người dân Iran đổ xô đi mua vàng và USD khiến cho giá vàng tăng cao kỷ lục, các cửa hàng buôn bán ngoại tệ phải ngưng bán USD vì lo thiếu hụt, hệ thống ngân hàng cũng suy sụp.

Căng thẳng leo thang đúng vào thời điểm Phái đoàn thanh tra cấp cao gồm 6 thành viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tới Iran để làm rõ ý định phát triển công nghệ hạt nhân của nước này.

Phó Tổng Thư ký IAEA Herman Nackaerts - người dẫn đầu đoàn thanh tra tới Iran cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại xung quanh chương trình hạt nhân Iran. Hy vọng rằng, Iran sẽ hợp tác với chúng tôi để bắt đầu một cuộc đối thoại - một cuộc đối thoại mà lẽ ra đã phải được thực hiện từ lâu”.

Trong khi đó, Iran tuyên bố không lo ngại về chuyến thăm này bởi Iran không có gì phải giấu diếm về các hoạt động hạt nhân của mình, nhưng cũng cảnh báo, đoàn thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cần làm việc một cách chuyên nghiệp và công bằng, nếu không, Iran sẽ buộc phải hạn chế hợp tác với cơ quan này về các vấn đề hạt nhân.

Những kết quả từ chuyến thăm 3 ngày của đoàn thanh sát viên có thể ảnh hưởng rất lớn tới các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế khả năng Iran làm giàu urani – điều mà Washington và các đồng minh luôn lo ngại rằng, đây là bước đi của Tehran nhằm tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân.

Thực tế, EU đang chiếm tới 25% doanh số bán dầu thô của Iran. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, thị trường dầu mỏ thế giới cũng sẽ không thể rơi vào khủng hoảng nếu như Quốc hội Iran bỏ phiếu thông qua dự luật ngừng bán dầu cho châu Âu.

Thay vào đó, nguy cơ khủng hoảng đối với thị trường dầu mỏ thế giới và an ninh toàn cầu lại chính là từ khả năng một cuộc xung đột quân sự giữa Iran và phương Tây, khi mà căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã “quá nóng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên