Iran nổi giận khi Israel bán thiết bị quân sự cho Azerbaijan

Động thái này của Israel được cho là chuẩn bị tiến tới tiêu diệt các cơ sở hạt nhân của Iran.  

Phương tiện truyền thông Israel vừa cho biết, nước này đang thực hiện một thỏa thuận bán thiết bị quân sự hiện đại cho Azerbaijan với tổng trị giá 1,6 tỷ USD.

Máy bay không người lái Heron TP của quân đội Israel (Ảnh: AP)

Theo đó, thỏa thuận sẽ bao gồm việc Israel bán máy bay không người lái (UAVs) và hệ thống phòng thủ tên lửa cho Azerbaijan. Thông tin trên đã khiến cho Iran nổi giận, đặc biệt là gần đây, Iran cáo buộc Azerbaijan đã cho phép các điệp viên Israel tiến hành các hoạt động để chống lại chương trình hạt nhân.

Trong khi Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân nhằm phục vụ phát triển hệ thống điện nhưng Israel và phương Tây cho rằng, chương trình hạt nhân của nước này là để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích cho rằng, việc tăng cường quan hệ hợp tác với Azerbaijan là tham vọng của Israel song song với thắt chặt quan hệ với các nước phương Tây.

Ông Barak Seener, Viện United Services, Hoàng gia London nhận định, việc Israel thắt chặt quan hệ với Azerbaijan là động thái nhằm làm tăng sự cô lập, bao vây và tiêu diệt các cơ sở hạt nhân quân sự của Iran.

Tiến sĩ Soli Shahvar (Đại học Haifa) cho rằng, thỏa thuận bán thiết bị quân sự giữa Israel và Azerbaijan như là một hành động để xây dựng các mối quan hệ đồng minh về ngoại giao trong một khu vực.

Hiện nay, Azerbaijan được coi là một trong những đối thủ cản trở mọi hoạt động của Iran.

Một vấn đề khác làm tăng căng thẳng trong mối quan hệ Iran-Azerbaijan là các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới biển Caspian được phân chia giữa hai nước.

Tiến sĩ Shahvar cũng cho rằng, trong khi sự căng thẳng giữa Israel và  Iran đang là mối quan tâm chính hiện nay thì việc đấu tranh để kiểm soát dầu tại vùng biển Caspian thậm chí còn quan trọng hơn.

Dầu và xuất khẩu khí đốt tự nhiên là nguồn  thu nhập chính của Chính phủ Iran. Các lệnh trừng phạt mới và cứng rắn của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây cũng là “nhắm” vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên