Iran thừa nhận điều tàu chiến tới Đại Tây Dương để chọc giận Mỹ
VOV.VN - Iran triển khai tàu chiến tới Đại Tây Dương lần đầu tiên trong lịch sử nước này hồi mùa xuân, khiến truyền thông Mỹ đưa ra nhiều đồn đoán về điểm đến cũng như loại hàng hóa mà con tàu này vận chuyển.
Tư lệnh Hải quân Hossein Khanzadi cho biết, việc Iran lần đầu tiên điều 2 tàu chiến tới Đại Tây Dương hồi tháng 5 vừa qua là nhằm “gửi đi thông điệp đặc biệt”.
Tàu khu trục Sahand và tàu hỗ trợ Makran đã tới Đại Tây Dương hồi tháng 5 vừa qua. Truyền thông Mỹ cho rằng nhóm tàu này chở vũ khí tới Venezuela và đưa ra nhiều quan điểm trái ngược về việc Mỹ có quyền triển khai các tài sản hải quân để ngăn cản tàu Iran hay không.
“Đội tàu của Iran đã ở bờ biển Gambia đầu tháng 6. Tất nhiên, một phần lý do là vì Mỹ nói rằng Iran không thể hiện diện ở Đại Tây Dương. Mỹ đang lo ngại rằng giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử Iran, cánh cổng Đại Tây Dương đã mở ra với chúng tôi. Mỹ có thể thiết lập các căn cứ xung quanh chúng tôi suốt nhiều năm, và giờ đây, họ cảm thấy lo lắng khi chúng tôi chỉ ở cách xa họ 5.000km”, ông Khanzadi nói.
Tuyên bố của ông Khanzadi đưa ra trong bài phát biểu trên truyền hình cuối tuần qua. Ngoài bình luận về việc Iran điều tàu tới Đại Tây Dương, ông còn thông báo Hải quân Iran sẽ được nhận thêm một số tàu chiến mới trong năm nay, trong đó có tàu đệm khí phóng tên lửa do nước này sản xuất.
“Tôi đã theo dõi kế hoạch chế tạo loại tàu này và Bộ Quốc phòng đã cam kết sẽ bàn giao cho Hải quân vào cuối năm nay”, ông Khanzadi nói.
Các tàu khác, trong đó có tàu khu trục Damavand và một tàu lớp Moudge, tàu Konarak, một tàu chiến mới chưa rõ thuộc lớp nào sẽ được bàn giao cho hải quân Iran vào mùa thu năm nay./.