Iran từ chối đàm phán với Mỹ và EU
VOV.VN - Quyết định được xem là nhằm phản ứng trước một loạt công kích cả bằng tuyên bố và hành động của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm vào các lực lượng được Iran hậu thuẫn tại Syria và Yemen.
Trong một thông báo trên Twitter, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, sau khi cân nhắc những động thái và tuyên bố vừa qua của Mỹ và ba cường quốc châu Âu, Iran nhận thấy bây giờ chưa phải lúc thích hợp cho một cuộc gặp không chính thức giữa các bên.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden dù tuyên bố “lấy làm thất vọng”, song vẫn mong muốn đạt được mục tiêu “cùng trở lại tuân thủ thỏa thuận” với Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trước đó khẳng định, cách hiệu quả nhất để đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân là thông qua ngoại giao.
“Sự kiên nhẫn của Mỹ không phải là không có giới hạn, nhưng chúng tôi tin tưởng và cũng như Tổng thống đã nhiều lần nói rõ, Mỹ và bản thân ông ấy xcảm thấy rằng cách hiệu quả nhất để đảm bảo Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân là thông qua ngoại giao. Đó là những gì chúng tôi đang làm”, ông Ned Price nói.
Quyết định của Iran từ chối lời mời của châu Âu đưa ra sau cuộc không kích hồi giữa tuần qua của Mỹ nhằm vào các tay súng được Iran hậu thuẫn tại Syria. Tổng thống Joe Biden nói động thái quân sự đầu tiên dưới thời của ông này gửi thông điệp cảnh báo Iran sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu tiếp tục ủng hộ các nhóm phiến quân chống Mỹ. Mới đây nhất ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án cuộc tấn công của các tay súng được cho là do Iran hậu thuẫn tại Yemen nhằm vào Saudi Arabia, cho rằng, động thái này làm suy yếu triển vọng hòa bình.
Tới nay, dù đều thể hiện thái độ sẵn sàng đối thoại, song Mỹ và Iran lại không thể chấp nhận việc phải trở thành bên chủ động hòa giải. Trong khi Iran coi việc Mỹ dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt như một điều kiện tiên quyết, thì Mỹ cũng tuyên bố sẽ chỉ trở lại bàn đàm phán chừng nào Iran khôi phục hoàn toàn việc tuân thủ thỏa thuận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ cách thức mà Mỹ có thể thực hiện để trở lại con đường đúng đắn. Trước tiên là họ phải khẳng định cam kết với Kế hoạch hành động chung toàn diện để trở lại văn kiện này. Sau đó họ phải hành động một cách hiệu quả, tức là phả loại bỏ những rào cản, trong đó có các lệnh trừng phạt để có thể bắt đầu đàm phán.”
Hồi đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, coi đây như thiện chí đối với các đối tác, đồng thời giảm bớt những hạn chế nghiêm trọng đối với việc đi lại của các nhà ngoại giao Iran tại Liên hợp quốc. Cùng với những quyết định đối với Iran trên mặt trận hạt nhân, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã đảo ngược một quyết định phút chót của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump xếp nhóm nổi dậy người Huthi được Iran hậu thuẫn tại Yemen vào danh sách khủng bố.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thiện chí dường như vẫn chưa thể đủ. Sau sự ra đi của Mỹ hồi năm 2018, thỏa thuận hạt nhân kể từ sau đó rơi vào trạng thái mong manh, với việc gia tăng các hoạt động làm giàu urani của Iran, hạn chế dần mức tuân thủ theo thỏa thuận. Quả bóng trách nhiệm qua lại giữa Mỹ và Iran cho thấy hai bên vẫn đang trong giai đoạn “thủ thế chờ thời”, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Iran đang tới gần vào ngày 18/6 tới. Trong khi đó, bản thân Tổng thống Joe Biden dù muốn trở lại thỏa thuận song cũng sẽ vấp phải không ít rào cản từ trong chính nội bộ nước Mỹ./.