Iraq đối diện khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng
VOV.VN - Chính phủ nước này được cho là bất lực trước làn sóng bạo lực 'như cơm bữa' với mục đích kích động hằn thù sắc tộc.
Iraq đang phải chứng kiến làn sóng bạo lực gia tăng nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008 khi đất nước này vừa thoát ra khỏi cuộc nội chiến. Tình trạng này không những gây chia rẽ sâu sắc giữa các cộng đồng, bộ tộc tại Iraq, mà còn đặt quốc gia Trung Đông này trước một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng.
Hiện trường một vụ đánh bom bên đường ở Iraq (Ảnh: Press TV) |
Ngay trong tháng ăn chay Ramadan vừa kết thúc, bạo lực tại Iraq đã làm hơn 800 người thiệt mạng, trở thành thời kỳ bạo lực bùng phát dữ dội nhất ở Iraq trong 5 năm qua và làm dấy lên lo ngại rằng, đất nước này sẽ rơi vào cuộc chiến từng xảy ra trong giai đoạn 2006-2007, khi mà con số thương vong hàng tháng lên tới 3.000 người.
Trước đó, thống kê do Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Iraq công bố cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, tình trạng bạo lực đã cướp đi sinh mạng của gần 100 người, trong đó phần lớn là dân thường. Tháng 7 cũng là tháng đẫm máu nhất tại Iraq kể từ tháng 4/2008 khi bạo lực giữa cồng đồng người Sunni và Shiite vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tình trạng bạo lực gia tăng, những mâu thuẫn chính trị không được giải quyết đã đặt quốc gia Trung Đông này trước một cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng, làm gia tăng tâm lý hoài nghi của người dân với chính phủ. Theo họ, chính quyền đang thể hiện sự thiếu khả năng trong bảo vệ người dân.
Minh chứng rõ nhất là trong khi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ các vụ tấn công này thì phần lớn các nhà lãnh đạo Iraq, đặc biệt là Thủ tướng Nouri al-Maliki lại im lặng. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, im lặng cũng đồng nghĩa với sự bất lực. Bởi ngay ngày 11/8, dù lực lượng an ninh đã được triển khai tăng cường tại nhiều tuyến phố ở thủ đô Baghdad, bạo lực vẫn tiếp diễn và đã có gần 10 người thiệt mạng.
Một số người dân Iraq bày tỏ: “Các vụ tấn công xảy ra hầu như hàng ngày. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của chúng tôi. Mỗi khi xảy ra đánh bom, các cửa hàng lại phải đóng cửa. Quả thực, tình trạng an ninh rất tồi tệ... Con trai tôi thực sự rất hoảng sợ. Tôi không dám cho con tôi ra ngoài trong 3 ngày lễ bởi tình hình không an toàn”.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi của Anh Alistair Burt ngày 11/8 lên án mạnh mẽ làn sóng tấn công bạo lực tại Iraq, đồng thời cho rằng, mục đích của các vụ tấn công này rõ ràng là nhằm kích động thù hằn sắc tộc và gây bất ổn đất nước. Ông cũng kêu gọi tất cả các quan chức chính trị, tôn giáo và cộng đồng cùng nhau làm việc để chống lại mọi hình thức bạo lực.
Cùng ngày trong một tuyên bố bất thường, Chính phủ Mỹ cho rằng thủ phạm của các vụ tấn công là “kẻ thù của đạo Hồi”, đồng thời nhắc lại rằng, Mỹ sẽ trao thưởng 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ Thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Iraq.
Tình trạng bạo lực leo thang này một lần nữa cho thấy, những mâu thuẫn giai cấp, dân tộc và tôn giáo ngày càng sâu sắc tại Iraq. Hơn 10 năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến vào quốc gia Trung Đông này, các nguy cơ đối với xã hội và chính trị vẫn còn lớn. Iraq phải đối mặt với 3 chứng bệnh dai dẳng đang làm xói mòn đất nước: Tai họa ngầm chính trị đang treo lơ lửng; tình hình an ninh gay gắt; công cuộc tái thiết đất nước chậm chạp.
Trong khi đó mâu thuẫn giữa các cộng đồng người ngày càng gia tăng. Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình của cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số phản đối chính phủ. Người Sunni cáo buộc chính phủ phân biệt đối xử với cộng đồng của họ khi thực hiện các vụ bắt bớ tùy tiện và buộc tội khủng bố. Chính phủ do người Shiite chiếm đa số cũng đã đưa ra một số nhượng bộ, đặc biệt trong đó có việc thả hàng nghìn tù nhân, song không giải quyết được mấu chốt của vấn đề.
Có thể thấy, thiếu sự khoan dung và đồng thuận, cuộc tranh giành quyền và lợi ích là lực cản lớn nhất cho sự phát triển và là nguyên nhân chính tạo nên cục diện căng thẳng hiện nay tại Iraq, khiến cho viễn cảnh của đất nước này vẫn là một bài toán với nhiều ẩn số./.