Iraq đối mặt nguy cơ chia rẽ sâu sắc
(VOV) -Ngày 15/1, lại có thêm 1 nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni của Iraq trở thành mục tiêu của các vụ tấn công liều chết.
Vụ việc có nguy cơ làm gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này, với những mâu thuẫn sâu sắc giữa các cộng đồng người.
Hiện trường của một vụ đánh bom ở Baghdad, Iraq. (ảnh: hereandrow) |
Nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni của Iraq Saadoune al-Issawi hoạt động tích cực trong cuộc chiến chống Mạng lưới khủng bố Al Qaeda ngày 15/1 bị sát hại trong một vụ tấn công liều chết ở phía Tây thủ đô Baghdad.
Vụ việc xảy ra chỉ 2 ngày sau khi một quan chức Chính phủ Iraq (dòng Sunni) thoát chết trong một cuộc ám sát nhằm vào đoàn xe của ông tại địa điểm này.
Theo các nhà phân tích, dù vẫn chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm song vụ việc sẽ càng thổi bùng lên căng thẳng lâu nay giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và chính quyền của Thủ tướng Maliki có đa số theo dòng Sunni.
Trong một thông cáo, Đại diện LHQ tại Iraq Martin Kobler đã lên án vụ tấn công và kêu gọi “tất cả các lực lượng chính trị chấm dứt các hành vi gây căng thẳng và kiềm chế”.
Trên thực tế, những ngày qua, Chính phủ của Thủ tướng Maliki đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình phe phái lan rộng trong nước. Trong khi những người Hồi giáo dòng Sunni biểu tình thể hiện sự ủng hộ chính quyền, những người Sunni cáo buộc chính quyền hiện nay thâu tóm quyền lực. Không riêng người Sunni, các đảng của người Kurk cũng công khai phản đối cách thức điều hành hiện nay của Thủ tướng Maliki, cho rằng chính quyền của ông đang tìm cách tập hợp vây cánh để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm tới.
Trong bối cảnh này, người đứng đầu phong trào Hồi giáo Shiite ở Iraq, Giáo sỹ Moqtada al-Sadr kêu gọi tất cả các cộng đồng người tại Iraq đoàn kết bởi theo ông Iraq cũng sẽ không nằm ngoài ảnh hưởng của những biến động hiện nay tại Trung Đông.
“Chúng ta cần phải chứng minh rằng Iraq là một thể thống nhất, với các cộng đồng người Shiite, Sunni và người Kurk chung sống hòa bình và đoàn kết. Trách nhiệm gìn giữ sự đoàn kết này thuộc về mọi người dân Iraq. Tôi thông cảm cho những cộng đồng có tiếng nói riêng đòi quyền lợi cho mình nhưng không vì thế mà chúng ta chia rẽ. Người hồi giáo theo các dòng khác nhau ở Iraq cần phải đoàn kết vì Thánh Ala là của tất cả chúng ta”.
Ông Mahmoud Othman, một Nghị sĩ người Kurrk cũng bày tỏ hi vọng vụ tấn công này sẽ buộc các nhà lãnh đạo người Iraq cùng ngồi lại và nỗ lực tìm ra một giải pháp. Theo ông, vào thời điểm hiện nay, đây là lựa chọn duy nhất. Bởi thực tế cho thấy, hơn một năm sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Iraq, đất nước bị chiến tranh tàn phá này vẫn phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và an ninh nghiêm trọng. Chính vì thế, chỉ khi những vấn đề trong nước được giải quyết ổn thỏa thì đất nước Iraq mới có thể tập trung vào phát triển và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực./.