Iraq đứng trước nguy cơ trở thành thiên đường của khủng bố

Cuối tuần qua, tình hình bạo lực tại Iraq đột ngột bùng phát đặc biệt nghiêm trọng.

Hàng chục vụ đánh bom liên tiếp xảy ra chỉ trong 2 ngày (22 và 23/7), cướp đi mạng sống của ít nhất 110 người và khiến hơn 300 người khác bị thương.

Nổ ra vào đúng dịp tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo và trong bối cảnh chính trường Iraq vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, giới quan sát cho rằng, làn sóng bạo lực vừa bùng phát thêm một lần nữa cho thấy cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc đang ngày càng trở nên phức tạp tại quốc gia Trung Đông này. Nhưng đáng lo ngại hơn, Iraq đang đứng trước nguy cơ trở thành một trong những thiên đường của chủ nghĩa khủng bố.

Cảnh sát điều tra hiện trường vụ đánh bom xe tại khu chợ nổi tiếng ở thủ đô Baghdad, Iraq (Ảnh: AFP)
Đến thời điểm này, chưa có bất kỳ tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công được đánh giá là đẫm máu và nghiêm trọng nhất trong 2 năm qua tại Iraq. Tuy nhiên, theo giới quan sát, không quá khó để nhận ra rằng, phần lớn các vụ tấn công do tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda chi nhánh Iraq thực hiện. Cụ thể hơn, đó là sự hiện thực hoá lời đe dọa trong đoạn băng ghi âm của Thủ lĩnh chi nhánh Al Qeada tại Iraq được các nguồn tin công bố ngày 22/7, trong đó công khai thông báo một kế hoạch tấn công khủng bố mới tại Iraq với mục tiêu cơ bản là giải thoát cho các thành viên Al Qeada đang bị giam giữ tại các nhà tù ở Iraq và truy sát các thẩm phán cùng các điều tra viên thuộc khối tư pháp Iraq.

Trong một phát ngôn chính thức trước đây ít ngày, Ngoại trưởng Iraq Hose Zeberi đã thừa nhận, Iraq đang trong một cuộc chiến thực sự chống lại Al Qeada: “Chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh thực sự chống Al Qeada. Tại Iraq, Al Qeada đã bị đẩy lùi và đang tiếp tục bị triệt tiêu. Tuy nhiên, chúng vẫn tồn tại và đang hướng sự chú ý tới các môi trường thuận lợi hơn cho chúng. Syria là một ví dụ tốt về môi trường lý tưởng cho khủng bố lựa chọn, bởi nơi đây đang xảy ra khủng hoảng, thiếu an ninh và thiếu sự kiểm soát của chính phủ, nơi mà giao tranh đang tiếp diễn. Đây rõ ràng là một môi trường lý tưởng cho khủng bố hoạt động và bành trướng tội ác”.

Trong một báo cáo mới đây, Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Anh MI5, Tướng Jonathan Evans cũng nhận định, một phần thế giới Arab ngày nay đã trở thành thánh địa tự do cho Al Qeada, đặc biệt là tại các quốc gia mà cuộc cách mạng Mùa xuân Arab vừa nổ ra, bởi tình hình chính trị còn rối ren, hoặc tại những nước đang trong tình trạng xung đột vũ trang, an ninh bất ổn.

Rõ ràng, khủng hoảng chính trị và an ninh bất ổn là những điều kiện tốt cho khủng bố hoành hành và phát triển. Vậy những gì đang diễn ra trên chính trường và chiến trường Iraq, là điều mà một tổ chức khủng bố khét tiếng như Al Qeada khó có thể bỏ qua.

Về mặt chính trị, Iraq không thể coi là đang trong một cục diện chính trị ổn định khi cuộc đối đầu giữa 3 thế lực chính trị - tôn giáo lớn nhất là cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, cộng đồng người Arab Hồi giáo Sunni và cộng đồng người Kurd đang cát cứ ở phương bắc, vẫn tiếp diễn.

Chính phủ của Thủ tướng người Hồi giáo Shiite đang bị các lực lượng người Arab Sunni và người Kurd công kích mạnh mẽ từ nhiều tháng qua. Thậm chí, một bộ phận lực lượng người Hồi giáo Shiite cũng liên tiếp đưa ra yêu cầu hạ bệ Chính phủ Iraq vì những cáo buộc vi hiến.

Trên bình diện an ninh, kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Iraq đầu năm 2003 đến nay, Iraq chưa khi nào được đánh giá là trong tình trạng an ninh ổn định. Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq với lý do đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”, nhưng trên thực tế lại tạo ra một lỗ hổng an ninh lớn tại đây.

Các vụ tấn công đẫm máu liên tiếp xảy ra trong tháng 6 vừa qua và đặc biệt là trong 2 ngày gần cuối tháng 7 này, chính là minh chứng rõ nét cho sự bất ổn về tình hình an ninh của Iraq.           

Nhiều nhà phân tích nhận định và thực tế tại nhiều nước đã chứng minh, bất ổn chính trị thường gắn liền với bất ổn và chia rẽ xã hội. Đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến xung đột lợi ích, phe phái, sắc tộc, gây bất ổn an ninh. Tại Iraq, cuộc xung đột phe phái và sắc tộc đã định hình rõ nét và luôn đứng trước nguy cơ bùng phát dữ dội.

Trong bối cảnh an ninh còn nhiều bất ổn như hiện nay, nguy cơ Iraq trở thành một thiên đường cho chủ nghĩa khủng bố phát triển, là hoàn toàn có thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên