IS tung bằng chứng về sự liên quan tới các vụ tấn công tại Sri Lanka
VOV.VN - Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ tấn công đẫm máu nhất do IS tiến hành bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq, địa bàn hoạt động chính của nhóm khủng bố.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày 23/4 thừa nhận trách nhiệm loạt vụ tấn công nhằm vào các nhà thờ và khách sạn hạng sang tại Sri Lanka hôm 21/4 vừa qua. Nhóm khủng bố này đồng thời đăng kèm một bức ảnh và đoạn băng ghi hình miêu tả chi tiết các vụ tấn công và danh tính các tay súng. Nếu được xác nhận, thì đây sẽ là vụ tấn công đẫm máu nhất do IS tiến hành bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq - địa bàn hoạt động chính của nhóm khủng bố.
Khung cảnh tan hoang sau vụ đánh bom nhà thờ ở Sri Lanka. Ảnh: Reuters |
Cùng với đoạn băng ghi hình miêu tả chi tiết vụ tấn công, Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng công bố bí danh của 7 người mà theo chúng là đứng sau vụ tấn công và một bức ảnh gồm 8 người đàn ông mà IS tuyên bố tham gia các vụ đánh bom. 7 người trong số đó bịt mặt và 3 người đang cầm dao. Tuy nhiên, cũng như nhiều vụ việc khác, tuyên bố nhận trách nhiệm của IS rất khó kiểm chứng.
Thông tin đưa ra 2 ngày sau hàng loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào 3 nhà thờ và 4 khách sạn xung quanh thủ đô Colombo. Thông tin cập nhật từ cảnh sát địa phương cho biết, số người thiệt mạng trong các vụ tấn công này đã lên tới 359 người, trong khi hàng trăm người khác bị thương. Đây có thể coi là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nam Á trong nhiều thập niên trở lại đây.
Giới chức Sri Lanka hiện chưa thể kiểm chứng nhóm vũ trang nào thực sự đứng sau các vụ tấn công, song giới quan sát nhận định, các vụ tấn công phối hợp kiểu này mang những đặc điểm tương tự các vụ tấn công của các nhóm vũ trang có liên hệ với những mạng lưới quốc tế như Al Qaeda hay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các vụ tấn công này giống vụ đánh bom nhà thờ ở Surabaya, Indonesia hồi năm ngoái khiến 18 người thiệt mạng và do một gia đình có liên hệ với IS tiến hành, hay tương tự vụ tấn công một nhà thờ ở miền Nam Philippines hồi đầu năm khiến 22 người thiệt mạng.
Theo Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wichremesinghe, nước này đã bắt giữ 44 đối tượng để điều tra: “Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã thừa nhận trách nhiệm các vụ tấn công. Song lúc này tôi chỉ có thể nói là có những mối liên hệ với nước ngoài và các vụ tấn công không thể chỉ do các nhóm cực đoan địa phương tiến hành. Đã có sự huấn luyện và phối hợp mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi cũng nghi ngờ là có sự liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng”.
Những thông tin điều tra ban đầu cho thấy, động cơ các vụ tấn công hồi cuối tuần trước có thể là nhằm trả đũa các vụ tấn công nhằm vào 2 đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, làm 50 người chết hôm 15/3 vừa qua. Theo Bộ Quốc phòng Sri Lanka, nước này đã nhận được sự hỗ trợ của quốc tế để điều tra vụ tấn công, song không nêu chi tiết.
Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đang có chuyến thăm Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 23/4 tuyên bố, những hành vi đê hèn như thế này cần phải bị trừng trị: “Mỗi người có quyền thực hành đức tin của mình mà không phải sợ hãi và những tội ác khủng khiếp như thế này phải bị trừng trị. Hợp tác quốc tế chống khủng bố đòi hỏi mọi người phải hành động và nó sẽ là trung tâm của những ưu tiên của chúng tôi”.
Sri Lanka đã tổ chức quốc tang trong ngày hôm qua và dành 3 phút mặc niệm bắt đầu từ 8h30 sáng giờ địa phương để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong các vụ tấn công. 8h30 cũng là thời điểm xảy ra vụ nổ đầu tiên tại Nhà thờ Thánh Antony ở thủ đô Colombo. Trong ngày này, toàn bộ các cửa hàng bán rượu đều đóng cửa, các tòa nhà công quyền đều treo cờ rủ. Các đài phát thanh và truyền hình trên khắp cả nước đều phải giảm tải các chương trình ca nhạc, giải trí. Chính quyền Sri Lanka đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm, tuy nhiên, an ninh vẫn được siết chặt tại nước này./.
Đánh bom khủng bố Sri Lanka: Lãnh đạo các lực lượng an ninh mất chức