Israel bị chia rẽ nội bộ sâu sắc bởi cuộc chiến tại Gaza
VOV.VN - Chính phủ Israel ngày càng chia rẽ về cuộc chiến ở Gaza sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant công khai yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu có một chiến lược rõ ràng để kết thúc cuộc chiến và tầm nhìn về 1 chính quyền quản trị Gaza thời hậu chiến.
Sự chia rẽ có thể khiến chính phủ liên minh cầm quyền Israel sụp đổ trong bối cảnh quốc tế ngày càng chỉ trích Israel vì chiến dịch quân sự đẫm máu ở Gaza, với cáo buộc mới nhất từ Liên đoàn Arab rằng Israel trốn tránh các nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn.
“Đó không phải là cách để tiến hành cuộc chiến" là dòng tít của tờ báo cánh hữu Israel Ngày nay (Israel Today) trong ấn bản hôm qua (16/5) với bức ảnh chụp Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Gallant nhìn về hai hướng khác nhau. Ngoài mục tiêu vô hiệu hóa Hamas và đưa khoảng 130 con tin trở về, nhiều quan chức cấp cao Israel cho rằng, Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa nêu rõ bất kỳ mục tiêu chiến lược rõ ràng nào để kết thúc chiến dịch đẫm máu vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 35.000 người Palestine. Gần đây, quân đội Israel phải quay trở lại giao tranh với các chiến binh Hamas ở những khu vực được cho là đã “quét sạch bóng Hamas” từ nhiều tháng trước, báo hiệu 1 cuộc chiến kéo dài.
Cho đến nay, Thủ tướng Netanyahu bác bỏ việc chính quyền Palestine ở Bờ Tây tham gia điều hành Gaza thời hậu chiến, gợi ý Gaza có thể được điều hành bởi một "chính quyền dân sự không có Hamas với trách nhiệm quân sự thuộc về Israel”. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tuyên bố ông sẽ không đồng ý thành lập một chính phủ có sự can thiệp quân sự của Israel ở Gaza, phản ánh sự bất an ngày càng tăng trong nội bộ Israel. Sự chia rẽ càng sâu sắc hơn khi 2 cựu tướng quân đội theo đường lối trung dung trong nội các, Benny Gantz và Gadi Eisenkot đều ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Thủ tướng Israel đang đứng trước thách thức vừa phải ngăn chặn chia rẽ nội bộ có thể làm lung lay liên minh cầm quyền, vừa phải trấn an người dân trước một chiến dịch kéo dài gây thiệt hại nền kinh tế cũng như làm mất cơ hội giải thoát cho các con tin. Hầu hết các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, người dân Israel giảm dần sự ủng hộ đối với cuộc chiến, mà hướng sự ưu tiên vào việc trao trả con tin hơn là tiêu diệt Hamas.
Giới quan sát cho rằng, một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ gây căng thẳng cho quân đội và nền kinh tế, gợi lại ký ức về sự chiếm đóng kéo dài nhiều năm của Israel ở miền nam Lebanon sau cuộc chiến năm 1982. Cuộc chiến kéo dài khiến dư luận bên trong Israel bất bình và quốc gia này ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế.
Sau những rạn nứt với đồng minh Mỹ, hôm qua (16/5), Liên đoàn Arab gồm 22 thành viên họp tại Bahrain cũng kêu gọi Israel ngừng bắn. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab cho rằng Israel tiếp tục trốn tránh trách nhiệm trong nỗ lực tìm kiếm 1 lệnh ngừng bắn với Hamas.
"Chúng tôi nhận thấy Israel tiếp tục trốn tránh trách nhiệm của mình và trốn tránh các nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn, mà thay vào đó, họ lại tiến hành chiến dịch quân sự vốn bị cả thế giới lên án ở Rafah, cũng như cố gắng sử dụng cửa khẩu Rafah từ phía Palestine để thắt chặt bao vây khu vực này”.
Tổng thư ký Liên đoàn Arab, Ahmed Abul Gheit, cho biết người dân Arab sẽ không thể làm ngơ trước bạo lực tàn khốc đang diễn ra ở Gaza. Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa của Bahrain kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế cho Trung Đông. Liên đoàn Arab nêu sáng kiến triển khai sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại dải Gaza và Bờ Tây, khẳng định các bước đi không thể đảo ngược là phải hướng tới giải pháp hai nhà nước ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine.
Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta tập hợp lại ở đây với tâm trạng đau buồn trước tình cảnh của người Palestine ở Gaza. Cuộc chiến ở Gaza là một vết thương hở có nguy cơ lây nhiễm toàn bộ khu vực. Xét về tốc độ và quy mô, đây là cuộc xung đột nguy hiểm nhất trong thời gian tôi làm Tổng thư ký đối với dân thường, nhân viên cứu trợ, nhà báo và các đồng nghiệp tại Liên Hợp Quốc."
Lời kêu lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng đã được đưa ra tại phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế diễn ra hôm qua tại La Hay (Hà Lan). Đại sứ Nam Phi tại Hà Lan, Vusimuzi Madonsela, kêu gọi Tòa án ra lệnh cho Israel “rút quân hoàn toàn và vô điều kiện” khỏi dải Gaza. Nam Phi lập luận rằng hoạt động quân sự của Israel đã vượt xa sự tự vệ chính đáng. Ai Cập mới đây cũng tuyên bố tham gia vụ kiện cùng Nam Phi, cho rằng các hành động quân sự của Israel “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và Công ước Geneva lần thứ tư năm 1949 về bảo vệ dân thường trong thời chiến”.