Israel đang “đổ thêm dầu” vào “chảo lửa Trung Đông”
VOV.VN - Việc Israel đổ lỗi cho Palestine làm trì trệ tiến trình hòa bình Trung Đông được xem như một động thái đổ thêm dầu vào lửa
Israel ngày 16/8 tuyên bố, việc nối lại đàm phán hòa bình với người Palestine là một cơ hội nhằm mang lại lợi ích cho cả 2 bên và cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, nước này lại bác bỏ việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên phần đất chiếm đóng của người Palestine là nguyên nhân cản trở tiến bộ của các cuộc đàm phán này và đổ lỗi cho Palestine vì sự trì trệ của tiến trình hòa bình Trung Đông.
Israel bác bỏ việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây cản trở tiến trình hòa bình Trung Đông (Ảnh: Press TV) |
Động thái này của Israel được cho là có thể “đổ thêm dầu vào lửa” khi mà người dân Palestine vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ giận dữ xung quanh tuyên bố về kế hoạch xây dựng nhà định cư của Israel và phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào với nước này.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, bàn về các cuộc đàm phán với Palestine, trưởng đoàn đàm phán hòa bình Trung Đông của Israel Livni nhấn mạnh, việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình không chỉ vì lợi ích của Israel và Palestine mà còn vì lợi ích của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ hội để Israel thay đổi các mối quan hệ đồng minh và liên minh trong khu vực.
Bà Livni cũng từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến cuộc đàm phán, cho rằng việc này là nhằm xây dựng lòng tin và thúc đẩy sự thành công của các cuộc đàm phán. Trưởng đoàn đàm phán Israel Livni cho biết: “Có một điều rất quan trọng trong các cuộc đàm phán đó là lòng tin. Chúng ta cần phải hành động dựa trên cơ sở lòng tin lẫn nhau và tôi tin rằng để có được thành công thì cần phải tin tưởng nhau”.
Tuy nhiên, trái với tuyên bố có hướng tích cực trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày lại đưa ra những phát biểu được cho là có thể gây khó khăn cho tiến trình đàm phán hòa bình khi ông bác bỏ những cáo buộc cho rằng việc xây dựng các khu định cư của nước này đang ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình Trung Đông và đổ lỗi cho người Palestine vì những xung đột giữa 2 bên.
“Chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Và nguyên nhân gốc rễ là việc người Palestine không công nhận nhà nước Do Thái và bất kỳ ranh giới nào. Không có vấn đề gì với các khu định cư vì vấn đề này đã được giải quyết. Đây không phải là nguyên nhân của xung đột giữa 2 bên”, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.
Tuyên bố trên của Thủ tướng Netanyahu có thể đổ thêm dầu vào lửa trong tình hình hiện nay khi mà người Palestine đang phản đối mạnh mẽ việc nối lại các vòng đàm phán với Israel trong những ngày vừa qua sau khi Israel tuyên bố xây dựng các đơn vị nhà mới tại Đông Jerusalem.
Trước đó, Bộ Nhà ở Israel thông báo bắt đầu tung ra thị trường 1.200 căn nhà tại Đông Jerusalem và các khu định cư xung quanh thành phố này, sau khi tuyên bố sẽ xây dựng hàng trăm căn nhà tại các khu định cư hẻo lánh. Phía Palestine đã cảnh báo động thái mới của Israel có thể khiến các cuộc đàm phán hòa bình thất bại, trong khi Ngoại trưởng Kerry bày tỏ những lo ngại của Mỹ về những kế hoạch xây dựng này, cho rằng chúng không có lợi cho các cuộc đàm phán với người Palestine.
Do lo ngại kế hoạch trên của Israel có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình đàm phán hiện nay, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 16/8 đã kêu gọi Israel và Palestine cần phải bỏ qua những hoài nghi đã tồn tại hơn 20 năm qua và duy trì một môi trường mang tính xây dựng cho tiến trình hòa bình trong tương lai, đồng thời tránh những phản ứng tiêu cực có nguy cơ làm ảnh hưởng đến các vòng hòa đàm.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng chỉ trích và bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về kế hoạch xây dựng các khu định cư Do Thái trái phép của Israel. Ông cho rằng hành động của Israel sẽ làm xói mòn lòng tin của người Palestine vào một thỏa thuận hòa bình sắp tới và kêu gọi chính quyền Israel và Palestine cùng nhau vượt qua "sự hoài nghi sâu sắc" để đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Ông Ban Ki-moon nói: “Tôi tin rằng Thủ tướng Israel Netanyahu nhận ra rằng Israel sẽ không bao giờ đạt được những lợi ích trong nước và quốc tế chừng nào không tiến tới hòa bình với người láng giềng Palestine. Thủ tướng Netanyahu cần phải biết được rằng việc chiếm đóng đất của người Palestine không phải là một giải pháp dài hạn cho những thách thức khu vực của Israel. Tôi và cộng đồng quốc tế đang rất lạc quan rằng tiến trình hòa bình hiện nay sẽ dẫn tới thành công. Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Mamoud Abbas thúc đẩy quá trình này”./.