Israel thông qua một loạt biện pháp trừng phạt Palestine

VOV.VN - Phía Palestine đã ngay lập tức lên án động thài này và tuyên bố sẽ đáp trả mọi biện pháp trừng phạt của Israel.

Giới chức Israel hôm qua (1/6) đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt đối với Chính quyền Palestine, trong đó có việc từ chối đàm phán và giữ lại một số khoản tiền thuế thu hộ Palestine. Động thái này diễn ra ngay trước khi Palestine chuẩn bị tuyên bố thành lập chính phủ thống nhất mới, dự kiến trong ngày hôm nay (2/6).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên vội vàng công nhận Chính phủ Palestine (Ảnh: AP)

Các biện pháp trừng phạt được thông qua tại cuộc họp khẩn gồm 8 Bộ trưởng do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập để thảo luận phản ứng của nước này đối với việc thành lập Chính phủ thống nhất Palestine. Các thành viên nội các Israel đã quyết định ngừng tiến hành thêm các cuộc thương lượng với Chính quyền Palestine chừng nào phong trào Hamas, vốn kiểm soát Dải Gaza còn tham gia vào công việc của Chính phủ Palestine.

Israel cũng quyết định sẽ tái phân bổ một số khoản tiền thuế thu hộ Palestine vào việc trả nợ các doanh nghiệp Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu còn lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không công nhận chính phủ thống nhất Palestine.

Ông Netanyahu nói: “Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không vội vàng công nhận chính phủ Palestine bao gồm cả Hamas. Vì Hamas là tổ chức khủng bố đã kêu gọi phá hoại Israel nên cộng đồng quốc tế không nên thừa nhận tổ chức này. Nếu dung túng cho Hamas, điều đó sẽ không giúp thúc đẩy hòa bình mà chỉ làm tăng thêm sức mạnh cho những kẻ khủng bố”.

Phía Palestine đã ngay lập tức lên án lời kêu gọi này của ông Netanyahu và gọi hành động này nằm trong chiến dịch nhằm thắt chặt sự chiếm đóng bằng mọi biện pháp của Israel.

Phong trào Hamas và Fatah của Palestine ký thỏa thuận hòa giải dân tộc hồi tháng 4/2014, theo đó hướng tới thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc mới. Khi đó, Israel đã lên tiếng phản đối thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo sẽ cắt đứt mọi tiếp xúc với Chính quyền Palestine và áp đặt các biện pháp trừng phạt ngay khi chính phủ đoàn kết dân tộc ở Palestine được thành lập.

Phản ứng trước lời đe dọa khi đó của Israel, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ đáp trả mọi biện pháp trừng phạt của Israel. Lãnh đạo phong trào Hamas, Ismail Haniyeh cũng cho biết: “Sự hòa giải Palestine là nhằm đoàn kết người dân Palestine để chống lại kẻ thù. Mục đích của thỏa thuận này là theo đuổi lựa chọn kháng cự và Palestine sẽ kiên định đến cùng”.

Còn người dân Palestine bày tỏ hy vọng vào một chính phủ đoàn kết dân tộc mới sẽ thực hiện các nguyện vọng của người dân. Một người dân tại Ramallah bày tỏ: “Chính phủ mới sẽ thực hiện các nguyện vọng của người dân Palestine, chúng tôi tin tưởng nhiệm vụ này sẽ được được hoàn thành tốt. Về sự hòa giải, đó là điều mà người Palestine tự hào và hy vọng điều đó sẽ được duy trì”.

Mặc dù thành phần nội các chính thức chưa được công bố nhưng một số nguồn tin cho biết, Chính phủ Palestine sẽ gồm 17 Bộ trưởng, trong đó có 5 người từ dải Gaza và sẽ do ông Rami Hamdallah đứng đầu. Ông Hamdallah dự kiến cũng sẽ kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ. Lễ tuyên thệ sẽ diễn ra tại văn phòng Tổng thống Mahmoud Abbas ở Ramallah ngày 2/6.

Hiện chưa rõ cộng đồng quốc tế có ủng hộ quan điểm của ông Netanyahu về việc không công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc mới tại Palestine hay không, nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện thái độ sẵn sàng cho chính phủ mới của Palestine một cơ hội. Theo báo giới Jordan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Amman ngày 4/6 tới để gặp Tổng thống Palestine Abbas và giới chức Jordan bàn về Chính phủ thống nhất Palestine và các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ với Israel./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên