John thánh chiến và bài toán hóc búa cho phương Tây
VOV.VN - Rõ ràng, chủ nghĩa cực đoan đang có ảnh hưởng tới mọi tầng lớp trong xã hội phương Tây, chứ không phải chỉ những người nghèo hay ít học.
Jihadi John (John thánh chiến), kẻ xuất hiện trong video hành quyết một loạt con tin nước ngoài của IS thời gian vừa qua được xác nhận là một công dân Anh, đã tốt nghiệp đại học và có nền tảng tài chính tốt.
Khi những thông tin về Jihadi John được hé lộ cũng là lúc các chính phủ phương Tây phải đối mặt với một bài toán hóc búa: chủ nghĩa cực đoan đang có ảnh hưởng ngày càng lớn tới mọi tầng lớp trong xã hội phương Tây.
Ngày 27/2, trang nhất các tờ báo lớn ở Anh đều đồng loạt giật tít và đăng tải thông tin về “Jihadi John”. “Jihadi John” xuất hiện trong các video chặt đầu con tin của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo là một người đàn ông có tên Mohammed Emwazi đến từ London và đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành lập trình máy tính.
Tên này được cho là đã đến Syria vào năm 2012 và gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Emwazi xuất hiện lần đầu tiên trong một đoạn video hành quyết nhà báo Mỹ James Foley được IS công bố hồi tháng 8 năm ngoái.
Sau đó, tên này lần lượt xuất hiện trong các video chặt đầu nhà báo Mỹ Steven Sotloff, nhân viên cứu trợ người Anh David Haines, lái xe taxi người Anh Alan Henning, nhân viên cứu trợ người Mỹ Abdul-Rahman Kassig…
Trong các video này, Emwazi đều đeo mặt nạ, mặc bộ đồ màu đen trùm kín người, tay cầm con dao. Bằng giọng người Anh, “Jihadi John” chế giễu các cường quốc phương Tây trước khi hành quyết các con tin. Hồi đầu tháng này, chiến binh John cũng có mặt trong video xử tử nhà báo Nhật Bản Kenji Goto.
Việc danh tính và thân thế của Jihadi John được hé lộ càng khiến cho phương Tây thêm đau đầu trong cuộc chiến chống khủng bố khi mà lâu nay, các công dân phương Tây rời bỏ đất nước để gia nhập hàng ngũ khủng bố thường chỉ là các đối tượng có xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội, không có tiền, không được giáo dục, nên họ rất dễ bị nhiễm các tư tưởng thánh chiến cực đoan mà IS đang tích cực truyền bá.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù có nền tảng vững chắc, được giáo dục tốt, song Emwazi không có tư tưởng khác so với những công dân Anh khác đến Syria để tham chiến và gia nhập các tổ chức khủng bố.
Ông Shiraz Maher, Trung tâm nghiên cứu về tư tưởng cực đoan tại Học viện hoàng gia London cho biết: “Jihadi John mặc dù được giáo dục, có nền tảng tài chính vững chắc song lại dễ dàng tham gia vào các cuộc xung đột như những công dân Anh khác. Điều này rất khác biệt so với những gì chúng ta đang chứng kiến ở châu Âu. Bởi ở châu Âu, những công dân tham gia thánh chiến hầu hết đều có nền tảng kinh tế kém, trình độc học vấn thấp”.
Dư luận Anh còn chưa hết xôn xao trước việc 3 nữ sinh nước này bỏ nhà để tìm đường gia nhập IS chỉ vài ngày trước đây thì nay lại xuất hiện các thông tin về Jihadi John, một công dân London được giáo dục và có điều kiện kinh tế tốt.
Rõ ràng, chủ nghĩa cực đoan đang có ảnh hưởng ngày càng lớn tới mọi tầng lớp trong xã hội phương Tây, chứ không phải chỉ những người nghèo hay ít học mới dễ bị tiêm nhiễm. Ngày càng có nhiều công dân châu Âu tìm đường gia nhập các tổ chức khủng bố cực đoan mà điển hình là IS.
Tình báo Mỹ cho biết, khoảng 20.000 người nước ngoài đã đến các vùng xung đột ở Syria và Iraq trong 3 năm qua và gia nhập IS. Các công dân đến từ phương Tây chiếm tỉ lệ cao nhất, 3.400 người, trong đó Anh có 600 công dân.
Số lượng công dân phương Tây gia nhập nhóm chủ chiến IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác trên khắp thế giới cao hơn nhiều so với những người nước ngoài từng tham gia các cuộc thánh chiến ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen hoặc Somalia trong 20 năm qua.
Và nguy hiểm hơn, với những “kinh nghiệm” tham chiến ở Syria và Iraq, các đối tượng này khi trở về nước có thể sẽ sẵn sàng cầm vũ khí chống lại quốc gia họ mang quốc tịch. Bằng chứng là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, Pháp hồi tháng 1 vừa qua.
Giới chức nước này cho biết có ít nhất một đối tượng gây ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng trên đã từng tham gia nhóm Hồi giáo cực đoan ở Yemen.
Mới đây, sau khi nhóm phiến quân al-Shabaab ở Somalia phát lên mạng đoạn băng kêu gọi tấn công vào các khu mua sắm ở Mỹ, Canada và Anh, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cảnh báo các nhóm cực đoan ngày càng dựa nhiều vào các "con sói đơn độc" thực hiện các vụ tấn công tại chính đất nước mình.
Tuy nhiên, từ đây có thể nhìn thấy một thực tế rằng, con đường đến với các tổ chức cực đoan vẫn còn khá dễ dàng và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả./.