Kế hoạch hòa bình tham vọng của Nga tại Afghanistan có thể chệch hướng
VOV.VN- Nga đề xuất tổ chức hội thảo hòa bình Afghanistan vào ngày 4/9 khi tình hình an ninh quốc gia Nam Á này ngày càng bất ổn.
Các nỗ lực quốc tế đang được thúc đẩy để đảm bảo hòa bình cho Afghanistan, trong đó, Nga gần đây đề xuất tổ chức Hội thảo quốc tế với sự tham dự của 12 nước, bao gồm cả Taliban và chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng của Nga dẫn dắt tiến trình hòa bình tại Afghanistan có nguy cơ chệch hướng khi chính phủ Afghanistan từ chối tham dự Hội thảo này.
Binh sĩ Mỹ tại hiện trường một vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters |
Đề xuất của Nga tổ chức Hội thảo quốc tế về hòa bình Afghanistan, dự kiến vào mùng 4/9 tới, được đưa ra khi tình hình an ninh tại Afghanistan đang ngày càng bất ổn. Chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani mới đây đã đề xuất ngừng bắn kéo dài 3 tháng với Taliban, đồng thời khẳng định cánh cửa đàm phán vẫn luôn để mở và bây giờ là thời điểm để nắm bắt cơ hội.
“Taliban- các bạn không thể thuyết phục người dân bằng vũ lực để đổi lấy hòa bình. Cánh cửa cho hòa bình vẫn luôn để mở, thậm chí cả với những người đã mất người thân trong các vụ tấn công do các bạn gây ra. Họ cũng sẵn sàng tiến tới hòa bình với các bạn. Các bạn sẽ không thể nhận được những ưu ái và thành ý nào hơn thế nữa”, Tổng thống Ghani nhấn mạnh.
Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của chính phủ, Taliban từ chối và khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến. Mặc dù vậy trong đề xuất mới nhất của Nga, Taliban đã chấp nhận lời mời với việc cử một đoàn đại biểu với 4 thành viên cấp cao tới dự cuộc hòa đàm về Afghanistan do Moscow chủ trì. Có thể đánh giá đây là một tín hiệu tích cực, là cơ hội thúc đẩy các cuộc đối thoại về hòa bình Afghanistan. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, một quan chức chính phủ Afghanistan cho biết, nước này sẽ không tham gia các cuộc đàm phán hoà bình tại Moscow.
Mỹ gặp Taliban sẽ gỡ nút thắt cho cuộc chiến 17 năm tại Afghanistan?
Mặc dù Afghanistan tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban mà không có sự tham gia của các cường quốc nước ngoài, nhưng giới quan sát cho rằng bước đi của Afghanistan cũng vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Mỹ trước đó đã từ chối tham gia cuộc hội thảo do Nga đề xuất, với nội dung có thể đề cập sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan.
Quyết định mới nhất của Afghanistan có thể làm chệch hướng kế hoạch hòa bình tham vọng của Nga. Với việc thúc đẩy đối thoại hòa bình tại Afghanistan, Nga tham vọng gia tăng ảnh hưởng và cải thiện hình ảnh tại quốc gia Nam Á này.
Làn sóng cáo buộc của Mỹ cho rằng, Nga có liên hệ với Taliban đã gia tăng tư tưởng bài Nga ở Afghanistan. Do đó, với vai trò nhà hòa giải tích cực giữa Taliban và chính phủ Afghanistan, Nga có thể đảo ngược xu thế này, cũng như khẳng định vai trò tại quốc gia có vị trí chiến lược trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov khẳng định, Nga không giấu giếm việc duy trì tiếp xúc với Taliban. Nga ủng hộ các cuộc tiếp xúc vì lợi ích, đảm bảo an toàn cho các công dân và thể chế của Nga tại Afghanistan, nhưng đồng thời cũng khuyến khích Taliban đối thoại với chính phủ để mang lại ổn định cho quốc gia này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, sự vắng mặt của 2 đối tác lớn là chính phủ Afghanistan và Mỹ có thể khiến Nga phải xem xét lại kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình vào tháng 9 tới./.