Kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Nhật Bản gần như phá sản

Ngày 5/5, Nhật Bản sẽ đóng cửa lò hạt nhân cuối cùng và bắt đầu một giai đoạn mới là không sử dụng điện hạt nhân vào lưới điện quốc gia.

Kể từ cuộc khủng hoảng hạt nhân vào tháng 3/2011, toàn bộ 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đều phải đóng cửa.

Lò phản ứng số 3 tại nhà máy hạt nhân Tomari, nằm trên đảo phía bắc Hokkaido, Nhật Bản được đóng cửa để kiểm tra an toàn định kỳ từ tối 5/5. Lần đầu tiên kể từ tháng 7/1966, nguồn cung từ năng lượng hạt nhân sẽ "biến mất" trong lưới điện quốc gia của Nhật Bản.

Khu liên hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Như vậy, chỉ trong vòng 14 tháng qua, hàng chục lò phản ứng dù không phải chịu tác động trực tiếp từ thảm họa động đất sóng thần vẫn buộc phải ngừng hoạt động để bước vào quá trình bảo trì và kiểm tra an toàn định kỳ. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục triệu dân Nhật Bản sẽ phải sống trong cảnh tiết kiệm điện, tránh bật điều hòa, luôn đối mặt với nguy cơ mất điện và các nhà máy sẽ không có điện để sản xuất hàng hóa.

Để có thể có đủ điện trong mùa hè này, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chương trình tiết kiệm điện mang tên "Biz Cool". Theo đó, từ ngày 1/5, các công chức văn phòng có thể sắn tay áo, cởi bỏ ca-ra-vát khi làm việc. Ngoài ra, nhiệt độ máy điều hòa tại nơi làm việc cũng được tăng lên, đèn điện được tắt bớt để tiết kiệm điện. Thậm chí đến ngày 1/6, các công nhân có thể mặc đồ mát và đi dép đi làm.

Giải thích về chương trình này, ông Tukada Tsukada - quan chức Bộ Môi trường Nhật Bản nói: “Kể từ thảm họa 11/3 năm ngoái, tình trạng thiếu điện càng trở nên rõ ràng hơn. Do vậy chúng tôi mở rộng thêm thời hạn thực tế của chương trình Cool Biz như một cách để giảm thiểu sử dụng điện năng”.

Cơ quan chính sách quốc gia của Chính phủ Nhật Bản ước tính, việc cắt hẳn phụ thuộc vào điện hạt nhân, sẽ khiến thủ đô Tokyo sẽ bị thiếu 5% lượng điện tiêu dùng trong mùa hè này, trong khi các nhà máy điện thuộc phía Tây Nhật Bản - nơi có thành phố công nghiệp lớn Osaka, cũng sẽ buộc cắt giảm 16% công suất.

Tuy nhiên, bất chấp sự thiếu hụt điện, chính quyền thành phố và người dân vẫn  ủng hộ việc không sử dụng điện hạt nhân. Theo họ  vấn đề an toàn là trên hết. Ông Toru Hashimoto, thị trưởng Osaka nói: "Chính phủ đã hỏi ý kiến của Uỷ ban An toàn hạt nhân Nhật Bản về kết quả kiểm tra của nhà máy điện hạt nhân Ohi. Tuy nhiên, nếu có làm như vậy thì cũng không thể tái khởi động nhà máy điện này chỉ dựa trên kết quả kiểm tra. Vấn đề an toàn cần phải được xem xét".

Trước khi xảy ra thảm họa 11/3 năm ngoái, Nhật Bản gần như phụ thuộc hoàn toàn vào điện hạt nhân - nguồn cung cấp 30% nhu cầu điện và hy vọng tới năm 2030, lượng điện cung cấp sẽ đạt 50% nhờ xây dựng thêm các lò phản ứng mới. Tuy nhiên, sự cố nhà máy hạt nhân Fukushima số 1 sau trận động đất và sóng thần năm ngoái đã khiến kế hoạch trong tương lai của điện hạt nhân của Nhật Bản gần như bị phá sản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên