Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel: Dễ nói nhưng khó làm
VOV.VN - Theo dự kiến, từ ngày 1/7 tới, Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ thúc đẩy kế hoạch sáp nhập lãnh thổ mà ông cho là “cơ hội không thể bỏ lỡ”.
Hôm qua (6/6), hàng nghìn người dân Israel xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch mở rộng lãnh thổ của chính phủ mới nước này, đối với hơn 30% diện tích các vùng đất chiếm đóng tại Bờ Tây, cụ thể là các khu định cư Do Thái và Thung lũng Jordan.
Người dân biểu tình ở Tel Aviv. Ảnh: AP. |
Với những biểu ngữ “không thôn tính, không chiếm đóng, ủng hộ hòa bình và dân chủ”, nhiều người biểu tình cho rằng, kế hoạch sáp nhập này không phục vụ lợi ích chung của cả người Palestine và Israel.
“Chúng tôi ở đây để phản đối ý định sáp nhập lãnh thổ, bởi nó không phục vụ người Israel, không phục vụ người Palestine, chặn đứng giải pháp 2 nhà nước, ngăn cản một cuộc sống đoàng hoàng cho người Palestine. Đó có thể là kế hoạch chỉ phục vụ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu. Nó không phục vụ mọi người”, một người biểu tình cho biết.
Một người khác nói: “Chúng tôi biểu tình chống lại kế hoạch “cực đoan” của chính phủ nhằm sáp nhập lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, hủy hoại mọi cơ hội hòa bình cho cả hai bên. Tôi ở đây với hàng nghìn người Do Thái và người Arab vì tương lai hòa bình và dân chủ, vì những ai muốn tự do và thịnh vượng. Kế hoạch sáp nhập lãnh thổ đơn phương của Thủ tướng sẽ dẫn tới chiến tranh lâu dài và đưa Israel vào trạng thái bị cô lập”.
Theo dự kiến, từ ngày 1/7 tới, Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ thúc đẩy kế hoạch sáp nhập lãnh thổ mà ông cho là “cơ hội không thể bỏ lỡ”.
“Chúng tôi có một cơ hội lịch sử, đã tồn tại từ năm 1948, để áp đặt quyền chủ quyền đối với khu vực Judea và Samaria. Đó là một cơ hội lớn mà chúng tôi sẽ không bỏ lỡ”, ông Netanyahu nói.
Người dân Israel biểu tình phản đối kế hoạch sáp nhập Bờ Tây
Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ có thể được Chính phủ Liên minh Israel thông qua, khi có được “đèn xanh” từ Mỹ - theo như tuyên bố của Lãnh đạo Đảng Xanh – Trắng ông Benny Gantz. Dù ủng hộ kế hoạch này, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Trump vẫn đang coi đây là vấn đề “phức tạp”, cần phải thảo luận thêm. Trong khi đó, giới phân tích cũng cho rằng, hiện Mỹ đang không muốn có thêm “bất ổn và căng thẳng” khi nước này đang có quá nhiều việc bận tâm, như xử lý đại dịch Covid-19, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng.
Thêm vào đó, bên trong nước Mỹ, cũng đang có nhiều ý kiến phản đối kế hoạch sáp nhập của Israel, bao gồm cả ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới – ông Biden.
Nhiều quốc gia châu Âu, Arab, Hồi giáo cùng với Liên Hợp Quốc, đã thúc giục Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập một phần Bờ Tây khi các nước coi đây là động thái bất hợp pháp. Nhiều quốc gia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn kế hoạch của Israel trước khi quá muộn.
Hiện phía Palestine cũng đang gia tăng các nỗ lực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn chặn Israel triển khai kế hoạch sáp nhập. Đặc phái viên của Palestine tại Liên hợp quốc ông Riyad Mansour, hôm qua (6/6) cho biết, Palestine đã nỗ lực hết sức để thành lập một mặt trận rộng lớn hơn trong Liên Hợp Quốc nhằm tạo sức ép lên chính phủ Israel.
Dự kiến, ông Riyad Mansour cũng sẽ sớm gặp đại diện nước giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các thành viên khác trong cơ quan này, để giải thích về hậu quả nghiêm trọng khi Israel tiến hành kế hoạch sáp nhập.
Trong khi đó, tại Bờ Tây, lãnh đạo Palestine đã quyết định tổ chức các hội nghị không hạn chế số người tham dự, để thảo luận về cách thức Palestine đáp trả kế hoạch sáp nhập của Israel một khi kế hoạch này được thực thi; đồng thời kêu gọi sự thống nhất và tăng cường đoàn kết trong nội bộ./.