Kết luận MH17 của Hà Lan: Người thân các nạn nhân lên tiếng
VOV.VN - Ủy ban An toàn Hà Lan hôm qua (13/10) đã công bố báo cáo cuối cùng về vụ rơi máy bay Malaysia MH17 tại miền Đông Ukraine tháng 7/2014.
Báo cáo kết luận chiếc máy bay đã bị trúng tên lửa BUK do Nga sản xuất, song không nêu đích danh bên nào tại Ukraine phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch MH17 đã cướp đi sinh mạng của 298 người này. Ngay sau khi báo cáo chính thức được công bố, Thủ tướng Hà Lan đã lên tiếng kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra này.
Ủy ban An toàn Hà Lan công bố báo cáo cuối cùng về thảm kịch MH17. (ảnh: Reuters) |
Sau khi Hà Lan chính thức công bố báo cáo điều tra cuối cùng xác định máy bay số hiệu MH17 bị tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất bắn hạ, người nhà của các nạn nhân trên chiếc máy bay xấu số đã kêu gọi công lý phải được thực thi và những kẻ đứng sau thảm kịch này phải chịu tội.
Tuy nhiên, các nhà điều tra Hà Lan chỉ khẳng định quả tên lửa được bắn từ khu vực miền Đông- do lực lượng đối lập Ukraine kiểm soát và không chỉ đích danh bên nào tại Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH17.
Trước đó vài giờ, hãng Almaz-Antey chuyên sản xuất tổ hợp tên lửa Buk của Nga cũng có báo cáo điều tra riêng và kết luận ngược lại với báo cáo của Hà Lan khi nói rằng chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ bởi tên lửa phóng đi từ lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine.
Cũng theo phía Hà Lan, quả tên lửa Buk đã trúng mạn trái của khoang lái, trong khi đó nhà sản xuất Almaz-Antey lại cho rằng điều này hoàn toàn vô lý vì nếu tên lửa được bắn đi từ làng Snezhnoye theo như kết luận của các nhà điều tra Hà Lan thì nó sẽ không làm tổn hại mạn trái của máy bay.
Trong báo cáo, Uỷ ban An toàn Hà Lan cũng phê phán Chính phủ Ukraine đã không đóng cửa không phận tại khu vực miền Đông, ngoài ra Hãng hàng không Malaysia cũng phải chịu trách nhiệm về vụ rơi MH17. Tuyên bố sau báo cáo của Ủy ban An toàn Hà Lan, Thủ tướng nước này Mark Rutte đã kêu gọi Nga hợp tác trong cuộc điều tra.
“Tôi kêu gọi nhà chức trách Nga tôn trọng và hoàn toàn hợp tác với báo cáo điều tra này, cũng như cuộc điều tra hình sự do các công tố Hà Lan tiến hành cùng với Nhóm điều tra chung trong thảm kịch MH17”. Ông Mark Rutte nói.
Phía Nga coi đây là một đề nghị “kỳ lạ”. Các phương tiện truyền thông Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov cho rằng báo cáo điều tra của Hà Lan là “kết luận thiên vị và có ý đồ chính trị”.
Những kết luận của phía Hà Lan về nguyên nhân rơi máy bay MH17 vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, sẽ khiến gia đình các nạn nhân thất vọng và không giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga - phương Tây.
Trong khi đó, sau báo cáo của Hà Lan, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết, các đối tác trong Nhóm điều tra chung về vụ MH17 đang cân nhắc việc thành lập một toà án quốc tế độc lập nhằm khởi tố các thủ phạm gây ra vụ việc.
Theo đó, trong trường hợp toà án quốc tế dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bị phủ quyết, Malaysia, Hà Lan, Bỉ, Ukraine và Australia đang thúc đẩy việc thông qua hiệp ước thành lập một toà án quốc tế độc lập.
Người đứng đầu Ủy ban điều tra quốc tế vụ rơi máy bay MH17, ông Fred Westerbeke cũng tiết lộ về cuộc điều tra hình sự riêng biệt cho vụ này: “Chúng tôi có rất nhiều người quan tâm tới vụ việc này và chúng tôi đang thu thập thông tin, bằng chứng trong vụ việc này. Chúng tôi có rất nhiều manh mối, song cũng cần phải nhiều yếu tố để kết nối những manh mối này. Chúng tôi vẫn còn khá nhiều việc phải làm”.
Chiếc máy bay chở khách Boeing-777 số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia đang trong hành trình từ Amsterdam, Hà Lan đến Kuala-Lumpur, Malaysia, đã rơi xuống vùng Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 17/7 năm ngoái.
Ngay lập tức chính quyền Ukraine và phương Tây lên tiếng cáo buộc các tay súng của lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine đã sử dụng tên lửa Buk do Nga cung cấp để bắn hạ chiếc máy bay, nhưng phía lực lượng này tuyên bố rằng họ không sở hữu các phương tiện có khả năng bắn rơi máy bay ở độ cao như vậy và nhiều khả năng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm MH17.
Hà Lan, nước có tới 193 công dân thiệt mạng trên chiếc máy bay xấu số, đã giữ vai trò dẫn đầu trong cuộc điều tra quốc tế vụ MH17. Trong tuyên bố mới nhất, Hãng hàng không Malaysia khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với nhà chức trách về mọi vấn đề liên quan đến thiệt hại sau vụ rơi máy bay MH17, cũng như hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân cho đến khi mọi vấn đề được giải quyết./.