Kết nối toàn diện và duy trì vị thế của Diễn đàn APEC
VOV.VN - Không chỉ thảo luận về các vấn đề thúc đẩy liên kết khu vực, diễn đàn APEC năm nay cũng mang đến cơ hội hạ nhiệt những căng thẳng kéo dài.
Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đang mở ra những cánh cửa lớn về hội nhập và thúc đẩy thương mại khu vực, ngày càng khẳng định vị thế với cộng đồng thế giới.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 tiếp tục đặt ra mục tiêu thúc đẩy liên kết khu vực, đẩy mạnh cải cách kinh tế, cũng như kết nối toàn diện và duy trì vị thế của APEC. Với mục tiêu này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ngày 11/11 khẳng định rằng, một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn là điều cần thiết để thúc đẩy sự kết nối và thương mại giữa các nước APEC.
Ông Tập Cận Bình nói: “APEC là một đại gia đình và việc xây dựng mô hình kinh tế mở châu Á-Thái Bình Dương để phát triển sáng tạo, kết nối cơ chế tăng trưởng và lợi nhuận là lợi ích chúng với tất cả các nước thành viên APEC. Để đạt được mục tiêu này, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương phải cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác tin tưởng cùng có lợi, cũng như hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng và sức sống cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nền kinh tế thế giới”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay cũng tuyên bố thêm khoản viện trợ 10 triệu USD để hỗ trợ xây dựng cơ chế APEC và khả năng thực tế của cơ chế này trong thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố đóng góp 40 tỷ USD để xây dựng nguồn quỹ phát triển hạ tầng Con đường Tơ lụa, nhằm thúc đẩy kết nối khắp khu vực châu Á.
Phát biểu với nhà lãnh đạo các nước Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, mục đích của nguồn quỹ này là khai thông các nút thắt cổ chai trong kết nối tại châu Á. Mục tiêu kết nối châu Á-Thái Bình Dương rất rõ ràng vì tháng trước, 21 nước châu Á cũng đã ký biên bản ghi nhớ thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc “đỡ đầu”, với nguồn vốn huy động ban đầu từ Trung Quốc là 50 tỷ USD.
Nhắc tới sự kết nối các nền kinh tế thành viên của APEC, không thể bỏ qua vai trò của các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia. Tại Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (gọi tắt là ABAC) trong khuôn khổ Hội nghị APEC, nơi quy tụ của hàng chục lãnh đạo các doanh nghiệp tập đoàn lớn của các nền kinh tế thành viên APEC, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi sự tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp trong khu vực.
Tổng thống Putin nói: “Là một thành viên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nga sẽ tận dụng lợi thế cạnh tranh của nền kinh, thương mại và đầu tư để thúc đẩy kinh tế của khu vực. Mặc khác sự phát triển của Nga tại Siberia và vùng Viễn Đông cũng tạo ra những cơ hội để sử dụng hiệu quả và khai thác tiềm năng tại khu vực này. Với Nga, hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương là chiến lược và ưu tiên hàng đầu. Điều quan trọng với Nga là có điểm chung với nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để sẵn sàng xây dựng hợp tác song phương”.
Không chỉ thảo luận về các vấn đề đa phương, diễn đàn APEC năm nay cũng mang đến cơ hội để các nhà lãnh đạo khu vực có những cái bắt tay và tìm giải pháp hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng kéo dài.
Các cuộc gặp song phương kín đặc của các nhà lãnh đạo khu vực đã diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Các cuộc gặp này đã mở ra những cánh cửa mới về hợp tác và hội nhập giữa các nền kinh tế lớn trong khu vực. Những mối quan hệ căng thẳng được đảo chiều và những tranh chấp lãnh thổ kéo dài được xoa dịu bằng các tuyên bố mới.
Nổi bật trong đó, là cuộc gặp ngày 10/11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, khẳng định sự cần thiết của việc phát triển mối quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi, hướng tới cải thiện quan hệ song phương đang gặp nhiều sóng gió hiện nay.
Đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa một chủ tịch nước Trung Quốc và một Thủ tướng Nhật Bản trong gần ba năm qua, được xem là bước đột phá để cải thiện quan hệ hai nước sau nhiều năm căng thẳng do các vấn đề lịch sử và lãnh thổ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này.
Mỹ đã rất hoan nghênh động thái này, khẳng định “bất cứ bước tiến nào giúp 2 nước cải thiện quan hệ và giảm căng thẳng thì cũng hữu ích không chỉ với Nhật Bản và Trung Quốc, mà còn với cả khu vực”. Bên cạnh đó, nhiều cuộc gặp song phương cũng thu hút được dư luận quốc tế như cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Nhật Bản với Tổng thống Nga Vladimir Putin./.