Kết quả điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria gây tranh cãi
VOV.VN - Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tranh cãi gay gắt về kết quả điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/8 tổ chức phiên họp kín thảo thuận về việc có hay không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hoặc thể chế tại Syria, liên quan đến kết quả điều tra hai cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường thời gian gần đây. Phiên họp đã làm nảy sinh những tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa các nước thành viên thường trực của cơ quan tối cao này.
Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc thu thập bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Ảnh: Reuters
Phiên họp diễn ra sau khi Cơ chế điều tra chung (JIM) giữa Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) công bố kết quả điều tra cho biết, cả chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là thủ phạm trong các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường thời gian gần đây.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Virginia Gamba- người đứng đầu Cơ chế điều tra chung nêu rõ, cơ quan này đã thu thập đủ thông tin để đưa ra kết luận chứng minh quân đội của Tổng thống Syria đã sử dụng khí độc Clo trong 2 vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại khu vực Talmanes, Syria tháng 4/2014 và khu vực Sarmin tháng 3/2015.
Trong khi đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sử dụng khí mù tạc tấn công vào các khu vực do phe đối lập Syria kiểm soát vào tháng 8/2015. Hiện cơ quan này vẫn đang điều tra thêm một số vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại các địa điểm khác.
Bà Gamba nói: “Cơ chế điều tra chung nhận thấy việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn tại Syria. Đáng lo ngại hơn là có nhiều loại vũ khí hóa học đã được sử dụng và có nhiều thủ phạm liên quan.
Chúng tôi không cho phép vũ khí hóa học trở thành yếu tố giải quyết cuộc xung đột tại Syria hoặc bất cứ nơi nào khác. Thủ phạm gây ra các vụ tấn công này cần phải bị đưa ra trước công lý”.
Syria đã nhất trí phá hủy vũ khí hóa học từ năm 2013 theo thỏa thuận do Nga và Mỹ làm trung gian. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bảo trợ cho thỏa thuận này bằng một Nghị quyết trong đó nêu rõ, cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu phát hiện ra bất cứ hành động “chuyển giao phi pháp vũ khí hóa học hoặc bất cứ bên nào tại Syria sử dụng vũ khí hóa học”.
Tuy nhiên, từ trước tời giờ, Chính phủ và phe đối lâp Syria luôn cáo buộc nhau tiến hành các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Ngay khi kết quả điều tra của Cơ chế điều tra chung được công bố, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Jaafari đã lên tiếng bác bỏ: “Các kết luận đưa ra trong báo cáo hoàn toàn căn cứ vào các nhân chứng đại diện cho các nhóm khủng bố có vũ trang hoặc lực lượng đứng sau các nhóm khủng bố này. Kết luận này thiếu các bằng chứng cụ thể, chẳng hạn như mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, báo cáo y khoa … cho thấy khí độc clo đã được sử dụng”.
Báo cáo của Cơ chế điều tra chung đã tạo ra những tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động nhanh chóng để chứng tỏ rằng các bên rất nghiêm túc trong việc quy trách nhiệm cụ thể.
Đại sứ Anh Matthew Rycroft khẳng định 3 nước là Anh, Pháp Mỹ đang tìm kiếm một lệnh trừng phạt Chính phủ Syria theo cơ chế quốc tế.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin lại bày tỏ hoài nghi về bản báo cáo này, cho rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể sử dụng những kết luận như vậy để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Chính phủ Syria.
Ông Churkin cho biết, sẵn sàng thảo luận và hợp tác với các nước trong Hội đồng bảo an về vấn đề này. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn các nghị quyết nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với chính quyền của Tổng thống Syria.
Những tranh cãi mới nhất giữa các cường quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria ngày càng đẩy xa hy vọng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho quốc gia này./.