Khai mạc Đối thoại Shangri La: Nóng vấn đề Biển Đông
VOV.VN -Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu có một lịch trình dày đặc các cuộc tiếp xúc song phương
Đối thoại Shangri La vừa khai mạc cách đây vài tiếng đồng hồ tại Singapore với sự tham dự của khoảng 30 đoàn Bộ Quốc phòng các nước, trong đó đoàn Trung Quốc lần đầu tiên có một Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Tôn Kiên Quốc đến dự và đoàn Mỹ cũng hùng hậu không kém khi có mặt cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lẫn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện John McCain. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.
Thủ tướng nước chủ nhà Singapore khai mạc Đối thoại Shangri La |
Đối thoại Shangri La là một diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh tổ chức từ nhiều năm qua trở thành sự kiện quốc phòng quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, Đối thoại Shangri La lần thứ 14 này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế bởi bầu không khí trước thềm cuộc đối thoại lần này đã vô cùng nóng sau khi Trung Quốc hôm 26/5 công bố Sách Trắng Quốc phòng với những lời lẽ chỉ trích nặng nề “một số quốc gia bên ngoài đang cấp tập lợi dụng quấy rối chuyện Biển Đông” và “một số nhỏ khác duy trì hành động do thám chống lại Trung Quốc”. Trung Quốc cũng vừa khởi công xây dựng 2 ngọn hải đăng tại Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Tiến sỹ John Chipman đã chỉ ra rằng, nửa đầu năm 2015 này, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến những căng thẳng mới ở Biển Đông khi một số nước tiến hành cải tạo và xây dựng quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa nhằm tăng cường sự hiện diện và trong một số trường hợp là các hoạt động quân sự tại đây. Mỹ đã phản ứng quyết liệt đối với những gì mà Washington cho rằng là “mối đe dọa đối với tự do hàng hải và hàng không” trong khu vực này.
Tiến sỹ John Chipman cho rằng: “Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất đối với các nhà hoạch định chính sách an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là trật tự khu vực nào sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. Hơn bao giờ hết, các nước châu Á – Thái Bình Dương và các đối tác bên ngoài khu vực này cần phải suy nghĩ một cách chiến lược về lợi ích dài hạn của họ hơn là những cái lợi trước mắt.”
Tiến sỹ John Chipman cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những tranh chấp về lãnh thổ và một số bất đồng khác, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ những mối quan ngại chung như mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, cụ thể là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như những thách thức về an ninh con người đòi hỏi các nước phải hợp tác để giải quyết như cuộc khủng hoảng người nhập cư ở Đông Nam Á những tuần qua.
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri La của mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông cho rằng, điều này sẽ phá vỡ vòng tranh cãi luẩn quẩn giữa các nước và không để những tranh cái đó ảnh hưởng đến những mối quan hệ rộng lớn hơn.
Thủ tướng Singapore nhấn mạnh: “Nếu tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS) thì đó là kết quả tốt đẹp nhất. Mặt khác, nếu căng thẳng leo thang thành xung đột do cố ý hay vô tình thì đó là một viễn cảnh rất tồi tệ. Ngay cả khi chúng ta tránh được cuộc xung đột đó nhưng kết quả được quyết định bằng sức mạnh thì nó cũng sẽ tạo một tiền lệ xấu. Kịch bản này có thể không dẫn đến một cuộc xung đột ngay lập tức nhưng nó tạo ra bối cảnh kém ổn định hơn. Bởi vì về lâu dài, một khu vực muốn ổn định không thể được duy trì bằng sức mạnh của một cường quốc mà đòi hỏi sự đồng thuận và hợp pháp trong cộng đồng quốc tế kết hợp cùng với sự cân bằng về quyền lực”.
Trước phiên khai mạc tối nay đã diễn ra những cuộc tiếp xúc song phương của quan chức quốc phòng các nước. Mặc dù không tham gia phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần này, nhưng đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu sẽ có một lịch trình dày đặc với các cuộc tiếp xúc song phương. Chiều nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã gặp các đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Israel, Philippines, Singapore và đại diện tập đoàn công nghệ quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ.
Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cùng đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác quốc phòng với các nước. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn cũng đã trao đổi với đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng từng nước về những vấn đề cùng quan tâm, đồng thời đề cập các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương trong thời gian tới thông qua việc tập trung tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy hợp tác đào tạo, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; tăng cường đối thoại về chính sách quốc phòng, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri La lần này, hôm nay, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cũng đã công bố Đánh giá an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015. Đây là lần thứ 2 Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế công bố hồ sơ chiến lược này. Đánh giá an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm nay tập trung vào 5 nhóm vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, trong đó có vai trò chiến lược của 2 cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất đến khu vực là Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc tiếp tục tìm kiếm một trật tự hòa bình và ổn định cho khu vực, bao gồm vai trò an ninh của ASEAN./.