Khai mạc Thượng đỉnh Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương kéo dài 2 ngày vừa chính thức khai mạc tại Washington, Mỹ. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng mạnh mẽ.
Phát biểu tại phiên khai mạc diễn ra tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết, hội nghị thượng đỉnh này là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến của các nước, đặc biệt là cách thức có thể làm việc cùng nhau để đạt được các lợi ích chung.
Ông Blinken nói: “Hội nghị thượng đỉnh này phản ánh mối quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của chúng tôi với các quần đảo Thái Bình Dương; mối quan hệ được củng cố bởi lịch sử, giá trị chung và mối quan hệ bền vững giữa con người với con người. Chúng ta sẽ cùng thảo luận về những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, trao đổi ý tưởng và quan điểm, đồng thời vạch ra hướng đi để giải quyết những vấn đề quan trọng nhất đối với người dân của chúng ta”.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài trong 2 ngày với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 12 quốc đảo Thái Bình Dương và hai đại diện là Australia, New Zealand với tư cách quan sát viên. Dự kiến Tổng thống Mỹ Biden sẽ có phiên hội đàm với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương vào ngày mai và tổ chức tiệc chiêu đãi buổi tối tại Nhà Trắng.
Các nội dung thảo luận trong hội nghị này chủ yếu tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden lần đầu tiên công bố một chiến lược Thái Bình Dương cụ thể, nằm trong khuôn khổ chiến lược tổng thể Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi Mỹ tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu an ninh, tìm kiếm sự ủng hộ định hướng chính sách mới của Mỹ tăng cường đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc thì các nước khu vực dường như không muốn bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa các siêu cường. Các nước này ưu tiên hơn cho các mục tiêu như thu hút sự ủng hộ về ngoại giao, các khoản viện trợ tài chính nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững./.