Khởi động sáng kiến thương mại Mỹ - ASEAN
(VOV) - Mục đích của sáng kiến nhằm tạo điều kiện để các nước châu Á tiến tới tham gia Hiệp định thương mại giữa Mỹ và ASEAN.
Ngày 19/11, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu thảo luận về sáng kiến mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Mục đích chính trong sáng kiến nói trên - có tên gọi Cam kết Mở rộng quan hệ kinh tế Mỹ - ASEAN, là nhằm tạo điều kiện để các nước châu Á tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Hiệp định thương mại mà Mỹ đang đàm phán với 10 quốc gia ASEAN và khu vực Tây Bán cầu. Các nước tham gia sáng kiến sẽ đàm phán về giản đơn hóa các thủ tục thuế quan, cùng bảo vệ giới đầu tư và những nguyên tắc ứng xử trong thương mại.
Mỹ muốn mở rộng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tới Campuchia, Lào và Myanmar, là những nước thành viên ASEAN không tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Trong một tuyên bố Nhà Trắng khẳng định ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của nước này. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của ASEAN đã tạo nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ.
Theo giới phân tích, bằng việc xúc tiến mở rộng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Mỹ đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực kinh tế phát triển năng động này, đặc biệt khi các nước Đông Nam Á và một số nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc đang xúc tiến thành lập Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hiện có 4 nước thành viên ASEAN tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm Singapore, Bruney, Malaysia và Việt Nam. Trong khi đó, Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cùng 10 nước thành viên ASEAN, nhưng không có sự tham gia của Mỹ./.