Khủng hoảng khu vực: Phép thử đối với Nga tại Trung Á
VOV.VN - Các cuộc khủng hoảng, bạo loạn diễn ra xung quanh biên giới Nga cho thấy các liên minh trong vùng ảnh hưởng truyền thống của nước này đang vấp phải những thách thức mới.
Một loạt các điểm nóng xung quanh Nga đã và đang diễn ra là phép thử cho tồn tại của các cấu trúc hội nhập trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), cũng như mức độ ảnh hưởng của Nga đối với các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và SNG nói chung.
Các cuộc khủng hoảng, bạo loạn đang diễn ra xung quanh biên giới Nga, từ biểu tình kéo dài phản đối kết quả bầu cử Tổng thống tại Belarus, cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, mới đây nhất là cuộc khủng hoảng chính trị ở Kyrgyzstan cho thấy các liên minh trong vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga đang vấp phải những thách thức mới.
Không giống như EU là mô hình liên minh về chính trị, kinh tế và hợp nhất quyết định về tất cả các vấn đề, EAEU đơn thuần là liên minh kinh tế, phần lớn các thành viên hướng tới Nga là một thị trường lao động và thương mại, còn SNG có mức độ liên kết, ràng buộc hạn chế, thậm chí còn bị nghi ngờ về tính hữu dụng của tổ chức này. Thậm chí, hai nước láng giềng của Nga là Gruzia và Ukraine lần lượt tuyên bố rời SNG vào các năm 2015 và 2018 sau khi quan hệ song phương với Nga căng thẳng.
Nga đang gặp khó trong duy trì sự kiểm soát của mình trong không gian hậu Xô Viết, một phần do liên kết chính trị chưa chặt chẽ, một phần đến từ chi phí đắt đỏ để duy trì hiện diện an ninh trên phạm vi rộng lớn. Nga phải tạm dừng nâng cấp căn cứ quân sự ở Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan để sử dụng cho các chương trình xã hội như đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 và nâng cao mức sống người dân.
Rõ ràng, các cuộc khủng hoảng liên tục xảy ra xung quanh biên giới nước Nga đang làm thay đổi kế hoạch của Nga với mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, quốc phòng với các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết.
Ngoài ra, Nga cũng đối mặt sự cạnh tranh ngày càng lớn với một số quốc gia khác. Trung Quốc tận dụng đòn bẩy từ sức mạnh kinh tế để xây dựng và củng cố ảnh hưởng ở khu vực Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ muốn khẳng định sự quan trọng của mình trong khu vực trải rộng từ Đông Địa Trung Hải đến Biển Đen từ vùng Balkan đến Kavkaz và cả Trung Á. Vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ công khai hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột quân sự với Armenia ở Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, châu Âu ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng, đặc biệt đối với giới trẻ tại khu vực này.
Theo giới chuyên gia, ngoài cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại Trung Á, rõ ràng nguồn lực hiện nay của Nga chưa đủ để duy trì cùng lúc trên nhiều mặt trận. Ngoài ra, Nga cần chú trọng hơn vào các công cụ của “quyền lực mềm” để mở rộng sự ảnh hưởng. Hiện nay, vị trí của Nga trong bảng xếp hạng quyền lực mềm do cơ quan tư vấn quốc tế Portland tổng hợp đang giảm dần. Năm 2016, Nga ở vị trí thứ 26 và đã giảm xuống thứ 30 trong năm 2019. Vị trí hàng đầu thuộc về Pháp, Anh và Đức.
Những động thái gần đây cho thấy, Nga đang đi đến thay đổi cách tiếp cận của mình đối với "quyền lực mềm" và công việc của Cơ quan hợp tác Liên bang Nga (Rossotrudnichestvo), trước hết là vấn đề nhân sự. Tháng 7/2020, Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Hạ nghị sỹ Evgeny Primakov là người đứng đầu cơ quan này. Một loạt các ý tưởng cải tổ từ việc đổi tên gọi của tổ chức, đến xác định cơ cấu chức năng của một số cơ quan trực thuộc đang được thảo luận. Dù đây không phải là yếu tố quyết định, song việc cải tổ có thể là biện pháp quan trọng để củng cố và mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực và trên thế giới./.