Khủng hoảng nhập cư châu Âu: Gian nan thỏa thuận EU- Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 15/3 đã lần lượt thăm Síp và Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy thông qua thỏa thuận nhập cư.
Síp là quốc gia thành viên có mối quan hệ phức tạp nhất với Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là quốc gia hoài nghi nhất đối với thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davotuglu ở thủ đô Ankara, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk thừa nhận, chặng đường hướng tới thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều chông gai, khó khăn phải vượt qua cho tới khi diễn ra Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu- Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 17-18/3 tới tại Brussels (Bỉ).
Số phận những người nhập cư vẫn rất bấp bênh khi mà thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khó có thể đạt được. Ảnh Reuters
“Nhiệm vụ của tôi là thúc đẩy một thỏa thuận phù hợp với luật pháp Liên minh châu Âu và luật pháp quốc tế để có thể đi vào thực hiện và tất nhiên là phải được sự chấp nhận của tất cả các nước thành viên, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Song đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chúng ta phải nhanh chóng thiết lập được một danh mục các vấn đề cần phải quyết với nhau nếu muốn đạt được thỏa thuận tại hội nghị sắp tới”, ông Tusk nói.
Trước đó cùng ngày trong chặng dừng chân đầu tiên ở Síp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk đã gặp thử thách lớn đầu tiên từ một trong những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Tổng thống Síp Nicos Anastasiades cảnh báo, sẽ không có chuyện mở thêm các chương đàm phán mới với Thổ Nhĩ Kỳ chừng nào nước này không tôn trọng các nghĩa vụ cam kết trước đó với Liên minh châu Âu. Đây cũng chính là một trong những điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để đồng ý hỗ trợ Liên minh châu Âu kiểm soát luồng người di cư.
Tổng thống Cộng hòa Síp Anastasiades nói: “Một lần nữa tôi xin nhắc lại lập trường của chúng tôi rằng, Síp không có ý định đồng ý với đề xuất mở thêm các chương đàm phán mới nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như đã nêu trong khuôn khổ đàm phán cũng như nghị định thư Ankara đạt được năm 2005, yêu cầu nước này phải mở cửa các hải cảng và sân bay cho giao thương của người Síp”.
Trên thực tế, Cộng hòa Síp là một quốc gia thành viên có quan hệ phức tạp nhất với Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh thổ của nước này đã bị chia làm 2 từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc đảo này và lập nên "Cộng hòa miền Bắc đảo Síp" của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ dù không được quốc tế công nhận.
Giữa năm ngoái, dưới sự trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc, các cuộc đàm phán nhằm thống nhất đảo Síp đã được nối lại, song cũng chưa đạt được bước đột phá nào.
Ngoài cảnh báo của Síp, dự thỏa thuận về nhập cư còn vấp phải sự hoài nghi của một số nước châu Âu khác, lo ngại “những cái giá mà Liên minh châu Âu sẽ phải trả” nếu chấp nhận những đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tuyên bố ngày 15/3, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết, Pháp sẽ ra khuyến nghị với Ủy ban châu Âu, kêu gọi sự hợp tác hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ, song sẽ từ chối “bất kỳ dự đe dọa nào” dù là nhỏ nhất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Song đây không phải là những vấn đề duy nhất của thỏa thuận đưa ra hôm 7/3 giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk ngày 15/3 cũng thừa nhận, vấn đề tính hợp pháp của bản kế hoạch vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi.
Theo ông Tusk, đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ được sự nhất trí của Đức vẫn còn cần phải được điều chỉnh lại để có thể được 28 nước thành viên và các thể chế châu Âu thông qua.
Theo bản kế hoạch này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận trở lại tất cả những người nhập cư bất hợp pháp vào Hy Lạp. Đổi lại với mỗi người bị gửi trả lại, Liên minh châu Âu sẽ phải chấp nhận một người xin tị nạn khác. Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức phi chính phủ đã chỉ trích điều khoản này là đi ngược lại với luật pháp quốc tế./.