Khủng hoảng sau bầu cử ở Afghanistan
VOV.VN - Những gì đang diễn ra ở Afghanistan cho thấy, để cuộc bầu cử ở nước này thành công không phải là chuyện dễ.
Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan vòng hai sẽ được công bố vào ngày hôm nay (2/7), người chiến thắng sẽ được tuyên bố chính thức vào ngày 22/7 và nhậm chức ngày 2/8, kết thúc tiến trình bầu cử được xem là sự chuyển giao quyền lực một cách dân chủ lần đầu tiên tại nước này kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001.
Tuy nhiên, những cáo buộc gian lận nổi lên khiến Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan đã thông báo hoãn công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống. Điều này, đang đặt Afghanistan trước nhiều bất ổn nhất là khi Mỹ và NATO sẽ rút quân khỏi nước này vào cuối năm nay.
Trong tuyên bố, Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan cho biết họ muốn đảm bảo một sự minh bạch tốt nhất tại khoảng 2.000 điểm bỏ phiếu tình nghi xảy ra gian lận trên tổng số 6.000 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước. Ủy ban hy vọng có thể kết thúc việc kiểm tra vào cuối tuần này để nhanh chóng ấn định thời điểm công bố kết quả chính thức.
Ông Abdulla dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1, với 45% số phiếu ủng hộ so với ông Ghani được 31,6% phiếu bầu. Do vậy, khi được tin đối thủ Ghani đang vượt lên dẫn đầu trong cuộc bầu cử vòng hai, ông Abdulla đã lập tức lên tiếng tố cáo có tình trạng gian lận phiếu bầu, đòi ngừng tiến trình kiểm phiếu, sa thải quan chức Ủy ban bầu cử, đe dọa không công nhận kết quả. Chính vì vậy, khi Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistantuyên bố hoãn công bố kết quả cuộc bỏ phiếu để điều tra gian lận.
Ông Abdulla đã bày tỏ hoan nghênh: “Điều này là tốt, vì nếu quá trình bầu cử không đáp ứng được sự minh bạch thì kết quả không có nghĩa gì. Việc phân định những lá phiếu gian lận và những lá phiếu sạch rất quan trọng”.
Trong khi đó, đối thủ của ông Abdulla là ông Ghani lại bày tỏ sự phản đối với quyết định này của Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan. Nhóm vận động tranh cử của ông Ghani nói rằng, sự chậm trễ của quá trình bầu cử sẽ làm cho người dân cảm thấy mệt mỏi và không có lợi cho đất nước.
Ông Abbas Noyan, người phát ngôn của nhóm vận động tranh cử của ông Ghani nói: “7 triệu phiếu bầu bị Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan từ chối. Họ cho rằng, trong số 7 triệu phiếu bầu này có 2 triệu phiếu gian lận. Tại sao họ có con số đó, tại sao không phải là 1 triệu phiếu hay 3 triệu phiếu? Rõ ràng việc đưa ra những con số không có cơ sở như thế này chỉ làm lãng phí thời gian của người dân”.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích, việc hoãn công bố kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ giúp Afghanistan tránh được nhiều rắc rối hơn trong tương lai. Ông Fazil Ahmad Manawi, một chuyên gia phân tích nhận định: "Bởi vì có rất nhiều vấn đề trong cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử nên làm điều gì đó để cho thấy rằng họ làm được việc. Nếu không, việc công bố kết quả một cách vội vàng sẽ gây ra rất nhiều vấn đề chính trị cho Afghanistan".
Việc tổ chức được một cuộc bầu cử trong bầu không khí bất ổn sẽ được coi là một “thắng lợi lớn” đối với đất nước Afghanistan, một thước đo cho thành công của NATO trong cuộc chiến chống phiến quân Taliban, cho dù đã xảy ra không ít các cuộc tấn công phá hoại của quân Taliban trên khắp đất nước trong thời gian bầu cử.
Thế nhưng, những gì diễn ra cho đến nay cho thấy để cuộc bầu cử thành công không phải là một chuyện dễ làm. Thậm chí, kể cả khi có được tân Tổng thống thì chính quyền mới vẫn có thể phải đối mặt với những lời tố cáo gian lận, hoặc ứng cử viên thất cử sẽ không chịu công nhận thất bại... Tất cả những điều ấy có thể sẽ gây ra tình hình căng thẳng chính trị, thậm chí các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ hai ứng cử viên, trong khi Taliban sẽ ra sức lợi dụng tình hình phức tạp ấy để chống phá đất nước Afghanistan./.