Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục phá kỷ lục
VOV.VN - Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga trong năm 2022 tăng hơn 29% so với năm trước và đạt mức kỷ lục hơn 190 tỷ USD.
Trong bối cảnh ngày càng chịu nhiều áp lực trừng phạt từ phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, Nga và Trung quốc đang tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng vượt bậc.
Các chuyên gia Nga đều nhất trí rằng, việc Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 sẽ có lợi cho phát triển hơn nữa quan hệ Nga-Trung.
Tăng trưởng thương mại giữa Nga và Trung quốc đã trở thành một trong những vấn đề được chú ý trong năm 2022. Sau khi bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc, Nga đã chuyển nguồn cung dầu và khí đốt từ Tây sang Đông, mà Trung Quốc là một trong những điểm đến chính. Việc cung cấp năng lượng của Nga cho Trung quốc đã đạt đến khối lượng chưa từng có. Nga đã trở thành một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, đứng thứ hai về cung cấp khí đốt qua đường ống và ở vị trí thứ tư về LNG nhập khẩu.
Theo các nhà Trung Quốc học, nước này sẽ vẫn là người mua tài nguyên năng lượng lớn nhất của Nga trong vòng 5 đến 10 năm tới. Và không chỉ dầu thô và khí đốt, mà cả các thành phẩm của quá trình lọc dầu. Khía cạnh quan trọng thứ hai của quan hệ Nga - Trung nằm ở lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp.
Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Liên bang Nga. Nước này có nhu cầu cao về thực phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường, ngũ cốc, đậu nành, hạt cải dầu, mà nhiều khu vực của Nga có thể đáp ứng.
Về phần mình, Trung Quốc cung cấp cho Nga ô tô, máy móc và các sản phẩm hóa chất. Các thương hiệu Trung Quốc như Chery, Haval và Geely đã tăng đáng kể sự hiện diện của họ trên thị trường ô tô du lịch Nga, đặc biệt là trong năm 2022. Thị phần của các thương hiệu Trung Quốc đã tăng hơn 18%. Điều này là do các công ty châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã rời khỏi Nga.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cung cấp cho Moskva nhiều loại hàng hóa tiêu dùng như đồ gia dụng, quần áo, giày dép, v.v. Theo các chuyên gia, sự gia tăng thương mại giữa Nga và Trung Quốc là kết quả của “mức độ bổ sung cao” giữa hai nền kinh tế.
Trước đây, tất cả những thứ tương tự có thể được mua dễ dàng hơn và gần hơn ở phương Tây. Nhưng liên quan đến sự thay đổi trong quan hệ kinh tế đối ngoại, không chỉ Nga đang trở thành ưu tiên của Trung Quốc, mà Trung Quốc cũng đã tăng nhiều bậc trong các ưu tiên của Nga.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga trong năm 2022 tăng hơn 29% so với năm trước và đạt mức kỷ lục hơn 190 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Nga tăng gần 13%, đạt hơn 76 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng hơn 43%, đạt hơn 114 tỷ USD.
Một lĩnh vực quan trọng khác trong hợp tác Nga - Trung là hệ thống ngân hàng và tài chính. Theo chuyên gia, hai nước không chỉ dần từ bỏ USD để chuyển sang thanh toán trực tiếp bằng tiền quốc gia là rúp - nhân dân tệ, mà còn tính tới việc tạo ra một loại tiền tệ siêu quốc gia chung mới để thanh toán xuyên biên giới giữa Nga và Trung Quốc, trước hết là với các nước thành viên SCO và BRICS.
Ngoài ra, Hợp tác giữa các khu vực biên giới của Nga và Trung Quốc trong 10 năm qua đã đạt đến một cấp độ mới về chất. Hàng chục dự án đang được triển khai ở Siberia và Viễn Đông với sự tham gia của vốn Trung Quốc trong khai thác và chế biến kim loại màu và kim loại quý, lọc dầu và vận chuyển, cũng như trong ngành gỗ. Các dự án cơ sở hạ tầng giao thông cũng đã được tích cực phát triển. Bên cạnh đó là mở rộng hợp tác nhân đạo, tăng cường quan hệ văn hóa, du lịch.
Trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, các chuyên gia Nga đều nhất trí rằng, việc này có lợi cho phát triển hơn nữa hợp tác giữa hai nước. Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế - Viện Hàn lâm khoa học Nga Alexander Lomanov nhắc nhớ rằng, đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, Nga là một đối tác quan trọng. Trong vài năm đầu tiên lãnh đạo, ông đã dành ưu tiên gần như ngang nhau cho Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc thất bại trong việc đàm phán quan hệ đối tác bình đẳng với Mỹ, Nga đã trở thành đối tác ưu tiên của nước này. Trong thập kỷ qua, các mối quan hệ nhân văn rất mạnh mẽ và ổn định đã được hình thành giữa các nhà lãnh đạo của hai nước. Chuyên gia nhấn mạnh, “hai bên không chỉ trong quá khứ đã thể hiện mức độ hỗ trợ lẫn nhau khá cao trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng, kể cả những vấn đề có tính chất quốc tế, mà còn có ý định như vậy trong tương lai.”
Nhà khoa học chính trị Yuri Svetov cũng cho rằng, quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh Nga và Trung Quốc đóng một vai trò trong quan hệ láng giềng tốt đẹp. Chúng lớn lên và hình thành trong một thế giới đang thay đổi, vượt qua thời kỳ chịu áp lực mạnh mẽ từ thế giới đối với hai đất nước. Do đó, các chính trị gia nhận ra rằng, việc các quốc gia hợp tác với nhau sẽ có lợi hơn là tách rời nhau.
Đặc biệt, Nga và Trung Quốc có các điểm tiếp xúc, cả hai nước đều ủng hộ thực tế rằng, châu Á đang trở thành trung tâm quyền lực, BRICS và SCO đã bắt đầu thay thế G7, các tổ chức này đang cố gắng áp đặt các điều kiện của mình đối với thế giới và Liên Hợp Quốc, không có khả năng giải quyết một số vấn đề.
Chuyên gia cũng lưu ý rằng, trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt, Nga đang chuyển lợi ích thương mại của mình sang châu Á và điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không cạnh tranh với Nga. Theo ý kiến của ông, có một "sự vận động nhiều tầng lớp" giữa Nga và Trung Quốc, nơi các nước chủ yếu sẽ hợp tác, nhưng cũng có thể cạnh tranh./.