Kinh nghiệm ứng phó bão lũ của các nước trên thế giới
VOV.VN - Hàng năm, thế giới phải hứng chịu rất nhiều cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp, kéo theo tình trạng lũ lụt trên diện rộng, các vụ sạt lở, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để ứng phó, nhiều nước đã có nhiều biện pháp vừa tình thế vừa dài hạn để phòng, tránh, chống và phản ứng nhanh, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), châu Á là khu vực phải đối phó với nhiều thảm họa thiên nhiên liên quan khí hậu, thời tiết hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Tất cả các loại thiên tai như nắng nóng, lũ lụt, bão… đều đang ngày càng trở nên dữ dội hơn và đặc biệt nghiêm trọng tại châu Á. Trong bối cảnh đó, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau sẽ là những chìa khóa để các nước có thể cùng nhau “vượt thiên tai, bão lũ”.
Australia luôn có kế hoạch dự phòng chi tiết với thời tiết cực đoan
Trong những năm gần đây, tại Australia thường xuyên diễn ra các đợt mưa lớn và hệ quả của các đợt mưa này làm cho các đập chứa nước bị đầy và buộc phải xả nước, gây ra tình trạng lụt lội ở các khu vực hạ lưu sông nhiều con sông và gây ra tình trạng lụt lội trên diện rộng, trong đó không thể không kể đến các đợt lụt lội lớn diễn ra vào năm 2021, 2022 và cả 2023.
Do thường xuyên xảy ra thiên tai nên chính quyền các bang và chính phủ liên bang tại Australia luôn có kế hoạch dự phòng chi tiết để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan để khi có sự kiện xảy ra ngay lập tức kế hoạch ứng phó được kích hoạt, tránh tình trạng lúng túng, không biết phải ứng xử như thế nào, không biết phải ưu tiên làm gì trước hay tìm các đầu mối ở đâu… Kế hoạch này cũng thường ghi rõ trách nhiệm của các bên trong lúc ứng phó với các tình hình thời tiết cực đoan.
Việc dự báo thời tiết luôn được Australia chú trọng và khi thấy có nguy cơ nguy hiểm xảy ra, phụ thuộc vào mức độ của nguy hiểm, cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo tương tự với người dân và yêu cầu người dân đi tránh bão hoặc đi trú ẩn.
Các địa điểm trú ẩn thường được xác định trước và nằm trong kế hoạch ứng phó dự phòng. Các địa điểm trú ẩn thường là các khu vực công cộng như các nhà thi đấu, các trung tâm thể thao, hay các trung tâm dịch vụ công cộng, nơi có diện tích rộng và ở những nơi cao ráo, có thể tập trung được đông người. Khi thiết lập các nhà trú ẩn tạm thời này thì cũng đồng thời lắp đặt luôn các trang thiết bị thiết yếu như lều, giường, nhà vệ sinh và cung cấp lương thực và dịch vụ y tế thiết yếu.
Tại Australia mặc dù xảy ra nhiều lụt lội nghiêm trọng trong những năm gần đây song do địa hình bằng phẳng, mật độ dân số thưa và không nhiều người sống ở các vùng núi vì thế mặc dù quy mô lụt nghiêm trọng song thiệt hại về người không nhiều. Bên cạnh đó, khi được yêu cầu đi tránh lũ thì đa phần người dân tuân thủ và hợp tác với các cơ quan chức năng và các kế hoạch, địa điểm tránh lụt được thông báo rõ ràng khiến cho việc sơ tán cũng diễn ra nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người dân.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018 cho biết, mỗi năm lũ lụt, sạt lở đất giết hại khoảng 30.000 người, gây thiệt hại hàng tỉ USD cho thế giới. Trước thực trạng đó, mỗi nước có một cách tiếp cận riêng trong việc phòng chống, giảm nhẹ rủi ro của thiên tai. Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ các nước cần có những chính sách phát triển kinh tế khôn ngoan, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng và đầu tư xây dựng cộng đồng có khả năng thích ứng và chống chịu bền vững trước thiên tai”.
Nhật Bản chú trọng hệ thống thoát nước và “túi phòng tai” có radio định vị
Tại châu Á, có thể nói Nhật Bản là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do thiên tai bao gồm động đất, sóng thần, bão lũ, sạt lở đất, lũ bùn và gần đây là nắng nóng gay gắt... gây ra. Có thể nói, Nhật Bản là nước có kinh nghiệm phòng chống thiên tai hàng đầu thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi.
Về phòng chống bão, các địa phương và các cơ quan chức năng của Nhật Bản coi những việc sau đây là những đầu việc phải làm định kỳ thường xuyên: kiểm tra, thăm khám các cây xanh, đặc biệt là cây lớn xem còn khỏe mạnh ko, có ruỗng thân không; kiểm tra nền móng các cột điện xem có cần gia cố không, nếu cần thì làm ngay, song song với kiểm tra hệ thống dây điện và dây viễn thông trên cao; nhắc nhở các hộ gia đình gia cố, chằng néo nhà cửa trước bão; giao nhiệm vụ cho một số công ty viễn thông cụ thể phải giữ liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, đồng thời khuyến cáo người dân kiểm tra các thiết bị thông tin như điện thoại, radio phòng chống thiên tai...
Về chống lụt, Nhật Bản luôn chú trọng việc nâng cấp, duy tu, bản dưỡng hệ thống tiêu thoát nước mưa trong thành phố nhằm đảm bảo nước mưa thoát nhanh nhất để tránh ngập lụt, mất vệ sinh sau lũ lụt. Tại Nhật Bản, các dự án xây dựng công trình thoát nước, xử lý nước thải, trong đó có thoát nước mưa thuộc trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền địa phương, không phải của tư nhân. Chính quyền địa phương sở hữu và quản lý cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải và chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của các cơ sở đó.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm xác định các khu vực có nguy cơ bị ngập cao để đưa ra biện pháp phòng tránh. Trên thực tế, lượng mưa có xu thế thay đổi trong những năm gần đây và việc phòng ngừa thiệt hại do ngập lụt ngày càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, song song với việc như phát triển hệ thống thoát nước, Nhật Bản còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về lượng nước mưa... song song với áp dụng “các giải pháp mềm” như: cung cấp thông tin, khuyến khích người dân sơ tán đến khu vực an toàn... Quan trọng hơn cả là bảo đảm một nguồn tài chính đủ để vận hành cả hệ thống này.
Còn đối với người dân, khi nhận được cảnh báo thiên tai, việc đầu tiên là phải kiểm tra các dụng cụ phòng chống thiên tai cá nhân, được gọi là “túi phòng tai”. Người Nhật Bản nào cũng có 1 túi như vậy. “Túi phòng tai” phải có những thứ tối thiểu như thực phẩm và nước uống đủ dùng cho ít nhất 3 ngày, đèn pin, bật lửa, quần áo ấm...
Đặc biệt, nhiều địa phương khuyến cáo người dân dự phòng cả radio. Bởi vì đây là phương tiện thông tin duy nhất khả dụng trong các trường hợp bất khả kháng, khi các phương tiện truyền thông khác như: truyền hình và internet... “bó tay”.
Nhiều radio còn được gắn thiết bị định vị, giúp cho công tác tìm kiếm, cứu nạn được dễ dàng hơn. Tiếp theo là kiểm tra nhà cửa, điện thoại, thông báo cho người thân ở xa (nếu có) tình hình hiện tại của bản thân. Cách an toàn nhất là rời nhà đến các cơ sở lánh nạn tập trung do chính quyền vận hành, quản lý.
Trung Quốc cảnh báo sớm và kiểm tra, rà soát trước bão lũ
Với 65% diện tích lãnh thổ là đồi núi, điều kiện địa chất và hoạt động kiến tạo phức tạp, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia thường xuyên phải chống chọi với các thảm họa về lũ lụt, sạt lở....
Hàng năm, khoảng từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 là mùa lũ chính ở nước này. Phòng chống bão lũ đã trở thành một trong những trọng tâm công tác của Chính phủ và chính quyền các cấp ở Trung Quốc trong khoảng thời gian này.
Bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng như hệ thống thoát nước, đê điều, hồ đập, sự lãnh đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục từ cấp cơ sở, Trung Quốc đặc biệt chú trọng công tác dự báo, phòng chống trước khi bão lũ xảy ra, cũng như việc rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ thiên tai trước và trong khi xảy ra mưa lũ.
Nhằm ứng phó với thiên tai, chính quyền từ Trung ương đến địa phương (từ cấp huyện trở lên) ở nước này đã từng bước thiết lập và không ngừng hoàn thiết các cơ chế cảnh báo sớm thiên tai, đồng thời phân công trách nhiệm cho các cá nhân cụ thể để giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để kịp thời đưa ra các khuyến cáo cho công chúng, hiện nay, Trung Quốc có hệ thống cảnh báo 4 cấp theo màu, gồm xanh, vàng, cam và đỏ đối với 14 loại thiên tai khí tượng, trừ động đất, trong đó màu đỏ là nguy hiểm nhất. Mỗi khi có thiên tai, hệ thống này sẽ được kích hoạt và thông báo liên tục đến công chúng tùy thuộc vào sự hình thành và phát triển của các loại hình thiên tai. Có thời điểm, cơ quan khí tượng, thủy văn, thủy lợi của Trung Quốc đồng thời ban bố cảnh báo của nhiều loại thiên tai khí tượng, như bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất... Việc cảnh báo sẽ được đưa ra đồng thời với các khuyến cáo, nhắc nhở về rủi ro tiềm ẩn đối với công chúng.
Trước những nguy cơ thiên tai nghiêm trọng, việc di dời số lượng lớn người dân, đóng cửa trường học, các điểm vui chơi giải trí, đường cao tốc, sân bay... cũng được nước này triển khai sớm, nhanh chóng và quyết liệt. Các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, trụ sở, văn phòng của các cơ quan công quyền sẽ được tận dụng để người dân tránh trú.
Các tổ công tác và chuyên gia cũng được huy động và đưa đến các khu vực có nguy cơ thiên tai cao để chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống lũ lụt.
Một số địa phương thường xảy ra lũ lụt ở Vân Nam, Quảng Đông còn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức về phòng chống thiên tai hay diễn tập khẩn cấp, đồng thời chia nhỏ các thôn làng thành những đơn vị quản lý nhỏ hơn, khoảng 10 hộ, do một người làm nhóm trưởng phụ trách. Khi có các cảnh báo về mưa lũ, đặc biệt là cảnh báo đỏ, các nhóm trưởng này cùng với chính quyền thôn lập tức tiến hành rà soát khu vực mình được phụ trách. Nếu phát hiện nguy cơ, nguy hiểm, sẽ thuyết phục, tổ chức người dân di dời lánh nạn. Nhờ cách làm này, nhiều ngôi làng ở các vùng núi cao, đặc biệt là khu vực biên giới của Trung Quốc, đã bảo toàn được tính mạng của người dân trong các trận mưa lũ nghiêm trọng
Do lãnh thổ rộng lớn, thậm chí, chính quyền địa phương một số nơi sẵn sàng di dời toàn bộ người dân ở những thôn, làng có nguy cơ cao xảy ra thảm họa địa chất, như lũ quét, sạt lở đất... đến nơi ở mới, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Vai trò của “người hùng” phát thanh khẩn cấp ở Phillipines
Nhắc đến bão lũ không thể không nhắc tới Phillipines - nằm ở khu vực rốn bão của Thái Bình Dương. Với vị trí thường xuyên phải “đón bão”, chính quyền nước này đã sớm hoàn thiện hệ thống quy định, luật pháp về môi trường và phòng chống thiên tai cùng nhiều biện pháp ứng phó khác.
Việc chuẩn bị ứng phó với những thảm họa thiên nhiên này là vô cùng quan trọng tại Philippines đặc biệt chú trọng hệ thống cảnh báo sớm trên 4 lĩnh vực chính: đánh giá rủi ro; dự báo và cảnh báo; phổ biến và truyền thông; chuẩn bị và ứng phó. Các công nghệ di động và kỹ thuật số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cảnh báo sớm.
Hiệu quả hoạt động của các cơ quan truyền thông tại Philippines giúp giảm thiệt hại do các cơn bão gây ra cũng là điều đáng ghi nhận. Trước khi bão đi vào Khu vực theo dõi của Philippines (PAR), trên các trang báo lớn của Philippines cập nhật liên tục đường đi của bão, các khu vực cảnh báo đến người dân, các thông báo sơ tán và nơi trú ẩn cho người dân. Những người anh hùng HERO, tên gọi gắt của Nhóm Phát thanh khẩn cấp nghiệp dư (Ham Emergency Radio Operations (HERO) Network), luôn phát huy hiệu quả trong việc cập nhật thông tin nhanh nhất về thiệt hại, nguy cơ điện, lũ lụt, lượng mưa và báo cáo ngập lụt khi bão làm các đường truyền mạng bị gián đoạn. Các cảnh báo sớm cũng liên tục được gửi đến người dân thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động. Vì vậy nhận thức và chủ động phối hợp của người dân Philippines là rất tốt.
Công tác phòng ngừa và chủ động của Philippines cũng hiệu quả trong việc ngăn chặn các thiệt hại khi các trường học hay cơ quan nhà nước được khuyến khích đóng cửa khi có bão lớn, dừng tất cả các dịch vụ tàu phà từ rất sớm và người dân khu vực ven biển được đưa đi sơ tán, thậm chí khi bão chưa được đánh giá là mạnh do Philippines đã từng đối phó với nhiều cơn bão có đường đi khá bất thường.
Với trung bình 20 cơn bão đổ bộ vào đất nước mỗi năm, ngoài việc chính phủ giải quyết các vấn đề cơ bản do biến đổi khí hậu như nạn phá rừng và quy hoạch đô thị,người dân Philippines cũng tự trang bị kiến thức và nguồn lực để bảo vệ tính mạng, gia đình và tài sản của mình. Bài học từ bão Hải Yến năm 2014 làm hơn 6 nghìn người thiệt mạng đang được áp dụng vào quá trình tái thiết các tòa nhà công cộng lớn ở Tacloban. Các trường học mới có lưới kim loại trên cửa sổ; dầm và bulông bê tông cốt thép trên trần nhà cho phép mái nhà uốn cong trong gió mạnh mà không bị tung mái. Các biện pháp khôi phục rừng ngập mặn ven biển cũng đóng vai trò là vùng đệm quan trọng trong trường hợp xảy ra bão lớn.