Kinh tế Mỹ có thể rơi vào thảm hoạ
VOV.VN - Những bất đồng giữa 2 đảng tại Quốc hội Mỹ nếu không được giải quyết sẽ khiến nước này rơi vào tình trạng phá sản.
Bất đồng giữa đảng Cộng hoà và Dân chủ tại Quốc hội Mỹ về ngân sách khẩn cấp và luật cải cách y tế đã khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Điều này tác động không nhỏ tới nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những bất đồng hiện nay càng khiến nhiều người lo ngại hơn về việc hai đảng sẽ không nhất trí được về việc nâng mức trần nợ công của Mỹ, tránh cho nước này rơi vào tình trạng phải phá sản. Nếu điều đó xảy ra, sẽ thực sự là một thảm hoạ.
Các nhân viên liên bang phản đối Chính phủ đóng cửa bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Washington ngày 4/10 (Ảnh: AFP) |
Trong khi giới chức Mỹ vẫn còn đang bận tâm tới việc chính phủ đóng cửa, các nhà kinh tế đã lo ngại nhiều hơn đến một cuộc khủng hoảng khác. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chính phủ sẽ hết tiền để hoạt động vào ngày 17/10 nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc hội không nhất trí được việc nâng mức trần nợ công.
Nhận thấy rõ nhất tác động của việc này chính là những người đi vay, các nhà cho vay và các nhà đầu tư không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Năm năm trước, khi cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu nổ ra, các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu, khiến cho giá cổ phiếu lao dốc thảm hại. Hôm nay, các nhà đầu tư lại muốn tránh một cuộc tác động tương tự khi chính phủ Mỹ có thể phá sản. Họ muốn chuyển hướng sang các khoản đầu tư dài hạn. Chính các nhà tư vấn đầu tư cũng khuyên khách hàng của mình đầu tư vào các chương trình, dự án dài hạn để đảm bảo an toàn. Theo các nhà tư vấn, việc giữ các mục tiêu đầu tư dài hạn sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua những biến động trong ngắn hạn.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, khả năng phá sản của Mỹ có thể làm đóng băng thị trường tín dụng, làm rớt giá đồng đôla, đẩy lãi suất tăng cao và có khả năng gây ra một cuộc suy thoái mới. Theo nhà kinh tế học Stan Collender, điều này có thể khiến các nhà đầu tư thế giới tránh xa khỏi Mỹ.
“Tất cả những gì họ nhận thấy là sự khó khăn của một nền kinh tế, của một hệ thống chính trị có thể sẽ gây nên nhiều biến động. Nó làm cho niềm tin của họ sụt giảm, và đương nhiên họ sẽ nghĩ, không đáng để mạo hiểm”, ông Stan Collender nói.
Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng nhiều người dân Mỹ đổ lỗi cho đảng Cộng hoà về việc chính phủ phải đóng cửa. Trong những ngày gần đây, điểm nóng tập trung vào một nhân vật, đó là lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện John Boehner. Ông Boehner vẫn kiên quyết không thông qua dự luật ngân sách khẩn cấp nếu không hoãn thực hiện luật cải cách y tế.
“Tôi không muốn chúng ta phải phá sản. Đó chắc chắn không phải là điều tốt lành gì cho đất nước chúng ta. Nhưng sau 55 năm chi tiêu nhiều hơn những gì có thể thu về, thì chúng ta cần phải làm điều gì đó”, ông Boehner nêu rõ.
Theo ước tính, việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới 300 triệu USD mỗi ngày. Nó có thể để lại những hậu quả lâu dài. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đã cảnh báo, cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
“Những bất ổn chính trị vẫn tiếp diễn về ngân sách, về trần nợ công sẽ không giúp ích gì cả. Chính phủ phải đóng cửa đã đủ tệ hại. Nhưng thất bại trong việc nâng trần nợ công có thể còn tồi tệ hơn nữa và nó sẽ tác động nghiêm trọng không chỉ tới nền kinh tế Mỹ mà còn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu”, bà Christine Lagarder nhấn mạnh.
Trong khi đó, vòng 2 cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới đã bị hủy bỏ vì Chính phủ Mỹ đóng cửa. Theo kế hoạch, vòng đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 7/10 tới nhưng do Mỹ không thể cử đoàn đại biểu đi dự nên đàm phán đã bị hủy.
Theo giới phân tích, vị thế toàn cầu của Mỹ trong mắt cả đồng minh lẫn kẻ thù đã bị hủy hoại nghiêm trọng do sự tê liệt của Chính phủ Mỹ. Thậm chí Tổng thống Mỹ Obama cũng đã phải hủy bỏ chuyến công du châu Á then chốt. Một số nhà phân tích còn cảnh báo rằng với việc không có dấu hiệu về một giải pháp nhanh chóng nào, thì tình trạng chính phủ siêu cường lớn nhất thế giới này ngừng hoạt động sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia./.